Chứng khoán phái sinh: Liệu đã đến lúc triển khai sản phẩm phức tạp hơn?
Sau hơn 6 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh sắp đón thêm sản phẩm thứ 4 là hợp đồng tương lai chỉ số VN100. Hợp đồng quyền chọn – sản phẩm phức tạp hơn đang được nghiên cứu để cân nhắc có thể triển khai.
Tăng bình quân 27,46% trong 6 năm
Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đồng tổ chức sáng ngày 24/11, TS. Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra những số liệu đánh giá lại bức tranh thị trường chứng khoán phái sinh sau hơn 6 năm đi vào hoạt động.
Con số về quy mô thị trường và thanh khoản của sản phấm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng bình quân 38,65%/năm trong giai đoạn 2018 - 2022.
Trong đó, năm 2020 được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao nhất (79,9%). Năm 2022 tăng 43,8% so với năm 2021, tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Dù 7 tháng đầu năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt 225.178 hợp đồng, giảm 17,41% so với năm 2022, nhưng vẫn là mức giao dịch bình quân năm cao thứ nhì chỉ sau năm 2022.
Tính chung trong 6 năm, tăng trưởng bình quân giao dịch HĐTL chi số VN30 đạt 27,46%. Khối lượng hợp đồng mở (Ol) của Hợp đồng tương lai VN30 từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 62.077 hợp đồng vào cuối tháng 7/2023. Khối lượng giao dịch cao nhất đạt 647.457 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 25/10/2022 và OI cao nhất là 71.190 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 30/3/2023.
Trái với sự sôi động của hợp đồng tương lai chỉ số, sản phẩm HÐTL trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm ghi nhận mức thanh khoản còn thấp. Nguyên nhân khá dễ hiểu bởi đối tượng tham gia mua khá hẹp, chủ yếu là định chế tài chính và ngân hàng thương mại.
Nhìn tổng thể, thị trường phái sinh đã ngày càng thu hút nhà đầu tư với số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng lên với hơn 1,34 triệu tài khoản tính đến ngày 31/7/2023. Số lượng thành viên giao dịch tăng từ 7 thành viên lên 23 thành viên tính đến ngày 31/12/2022, đều là các công ty chứng khoán.
Dù ghi nhận sự tăng trưởng và chứng minh vai trò như một giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng tiền ở lại thị trường chứng khoán, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường khi thị trường cơ sở sụt giảm, vẫn còn những hạn chế của thị trường đang tồn tại.
Cụ thể, theo TS. Tạ Thanh Bình, việc tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia ở mức cao khiến thị trường “giật cục” khi chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố tâm lý dẫn đến. Gần 99% giao dịch ở giai đoạn đầu là từ các cá nhân. Tỷ lệ này đã giảm còn khoảng 86% trong những tháng cuối năm 2019 và 67% vào cuối tháng 7/2023 nhưng vẫn là mức khá cao.
Trong khi đó, sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng, chỉ có 3 sản phẩm là HÐTL chỉ số VN30 và HÐTL trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 05 và 10 năm, đặt ra yêu cầu cần thiết có thêm các sản phẩm phái sinh khác trên chỉ số.
Sản phẩm được giao dịch nhiều nhất là chỉ số VN30 đã bộc lộ một số điểm hạn chế do tính đại diện chưa cao, cơ cấu chỉ số thành phần tập trung nhiều cổ phiểu của ngành tài chính ngân hàng và bất động sản. Cùng đó, phương pháp tính chỉ số còn một số bất cập như chưa đưa ra giới hạn theo ngành, Ĩinh vực; cách áp dụng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float); đặt ra các điều kiện về tài chính để hạn chế cổ phiếu có tình hình tài chính kém...
Bài toán sản phẩm: Cải tiến chỉ số cơ sở và chờ đợi những sản phẩm mới
Việc cải tiến chỉ số và xây dựng các bộ chỉ số mới cũng là một trong những giải pháp để phát triển hàng hóa cho thị trường. Cùng đó, đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán phái sinh là một trong các giải pháp trọng tâm. Theo Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục đưa ra sản phẩm đưa ra HĐTL VN100 khắc phục hạn chế của chỉ số VN30 về tính đại diện như nhà đầu tư mong đợi. Thời gian ra mắt sản phẩm mới dự kiến là ở ngay quý I/2024.
Sản phẩm mới hợp đồng quyền chọn cũng được Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề cập. Bà Bình cho biết cơ quan quản lý đang từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ sổ chứng khoán. Trong đó, để triển khai hợp đồng quyền chọn, sẽ cần thiết phải xây dựng một thông tư riêng hướng dẫn về giao dịch quyền chọn như Thông tư số 58/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh mới hướng dẫn về tổ chức giao dịch HĐTL, chưa có các quy định hướng dẫn chi tiết về giao dịch hợp đồng quyền chọn.
Không chỉ cần bổ sung khung pháp lý, sản phẩm phức tạp như hợp đồng quyền chọn còn cần sự sẵn sàng của thị trường.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai các hợp đồng quyền chọn. Đây là một sản phẩm phức tạp trên thị trường phái sinh. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm phát triển chúng tôi cho rằng nhà đầu tư đã có một thời gian tích lũy kinh nghiệm và đã đến lúc chúng ta có thể triển khai một sản phẩm phức tạp như là hợp đồng tuyển chọn”, đại diện UBCKNN cho hay.
Ngoài ra, công tác quản lý, thanh tra, giám sát liên thị trường nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán cơ sở, từ đó tác động lên thị trường chứng khoán phái sinh và ngược lại cũng là giải pháp trọng tâm cho thị trường này.
Theo TS. Tạ Thanh Bình , dù nghi vấn liệu có thao túng liên thị trường vẫn là câu hỏi lớn, đặc biệt khi thị trường đã có những đợt biến động khác thường đặc biệt ở những phiên đáo hạn, việc tăng cường năng lực giám sát là hết sức cần thiết. Trong khi thị trường phái sinh hiện do HNX quản lý, thị trường chứng khoán cơ sở (VN30) lại là rổ danh mục cổ phiếu trên sàn HoSE, UBCKNN giao trọng trách cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) giám sát liên thị trường.
Cùng đó, UBCKNN cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và máy học hiện đại phục vụ công tác quản lý, giám sát trên thị trường chứng khoán, đặc biệt áp dụng công nghệ tiên tiến như máy học (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo (Al) để phân tích dữ liệu, phát hiện vi phạm và đưa ra các khuyến nghị.