Chứng khoán tháng 2 giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo?
Về biến động của thị trường chứng khoán trong tháng 2, KBSV duy trì kịch bản giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 2 với rủi ro điều chỉnh gia tăng.
Về vĩ mô tháng 1, kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024 khởi đầu với nhiều diễn biến tích cực. Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn duy trì đà tăng, chỉ số PMI quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 1 cho thấy triển vọng hồi phục của ngành sản xuất công nghiệp.
Các động lực tăng trưởng truyền thống khác như doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, hoạt động du lịch, đầu tư công và dòng vốn FDI vẫn tăng trưởng ổn định. CPI tháng 1 tăng 0,31% so tháng trước, dự báo CPI cả năm 2024 sẽ được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu.
Thanh khoản toàn hệ thống giai đoạn cận Tết vẫn tương đối dồi dào trong khi lãi suất huy động tiếp tục giảm. Tỷ giá liên ngân hàng mặc dù chịu áp lực nhưng vẫn biến động tương đối hài hòa trong khoảng 24.200- 24.600 VND/USD.
Về diễn biến thị trường, trong tháng 1, thị trường dồn sự tập trung vào cổ phiếu Ngân hàng và đồng thời cũng là nhóm ngành đóng góp vào đà tăng điểm tích cực cho chỉ số. Tuy vậy, thanh khoản ngoài nhóm ngân hàng không có quá nhiều sự cải thiện, cùng với việc dòng tiền thiếu đi hiệu ứng lan tỏa sang các ngành khác, chỉ số chịu áp lực điều chỉnh ở 1 vài thời điểm khi nhóm cổ phiếu Ngân hàng thể hiện sự suy yếu.
Đánh giá triển vọng thị trường tháng 2 dưới góc nhìn cơ bản
Theo KBSV, về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 15,5 lần, nhỉnh hơn không quá nhiều so với mức bình quân 2 năm trở lại đây (theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp nên có sự khác biệt so với tính toán của các tổ chức khác). Dù vậy, trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục, kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong cả năm 2024, KBSV duy trì quan điểm rằng định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung dài hạn.
Về biến động của thị trường chứng khoán trong tháng 2, KBSV duy trì kịch bản giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo.
Công bố KQKD quý 4 và cả năm 2023 của nhiều nhóm doanh nghiệp tích cực hơn so cùng kỳ (nền thấp 2022) sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư. Dù vậy, KBSV nhận thấy KQKD sẽ biến động khác biệt giữa các nhóm cổ phiếu nên thị trường nhiều khả năng sẽ phân hóa, dẫn tới sự giằng co trong ngắn hạn.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng là yếu tố hỗ trợ cải thiện thanh khoản thị trường và nâng đỡ chỉ số chung. Trước đó, khối ngoại rút ròng khoảng 1 tỷ USD trong 2023 phần nào ảnh hưởng đà phục hồi của VN-Index (bao gồm việc các nhà đầu tư đến từ Thái Lan bán nhằm tránh áp thuế thu nhập cá nhân đối với tài khoản đầu tư nước ngoài hiệu lực vào đầu 2024). Tuy nhiên, KBSV cho rằng nhà đầu tư ngoại còn nhiều động lực quay trở lại với bối cảnh nền kinh tế kỳ vọng hồi phục, định giá hợp lý của thị trường Việt Nam và xa hơn, kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng. Thực tế, khối ngoại đã bắt đầu quay trở lại giao dịch cân bằng hơn kể từ đầu tháng 1.
Ngoài ra, tâm lý đầu tư được cải thiện nhờ thông tin từ một số thị trường trên thế giới. Các chỉ số chính tại Mỹ liên tiếp vượt đỉnh lịch sử nhờ kỳ vọng về lãi suất thấp hơn và lạc quan xung quanh công nghệ AI. Sắp tới, nhà đầu tư nên chú ý về cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào tháng 3/2024. KBSV cho rằng có tồn tại rủi ro Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất. Cụ thể, theo CME Group, thị trường hiện kỳ vọng chỉ có 48% khả năng Fed sẽ có lần hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2024 (so với mức 72.8% cách đây 1 tháng).
Mặt khác, tại Trung Quốc, chỉ số CSI 300 đã giảm xuống mức thấp trong vòng 5 năm. Các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc đưa ra gói 278 tỷ USD giúp ổn định thị trường. Đây được xem là thông tin tích cực phần nào giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Ngoài những thông tin trên, KBSV lưu ý rủi ro liên quan đến sự mạnh lên của đồng USD, biến động địa chính trị khó lường trên toàn cầu (căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ và Trung Đông, cuộc chiến Nga -Ukraina diễn biến phức tạp, ...) có thể ảnh hưởng khiến thị trường diễn biến tiêu cực so với kịch bản cơ sở.
Đối với danh mục khuyến nghị trong tháng 2, bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV ưu tiên lựa chọn các mã cổ phiếu bao gồm: SSI, FPT, GVR, PVT, PVD, TNG, PC1, CTD, VTP, MWG.