Chứng khoán tuần 15 - 19/7: VN-Index chờ tín hiệu phục hồi, giao dịch thận trọng vùng 1.280 điểm

VN-Index thiếu động lực trước 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng mạnh, lịch trả cổ tức, doanh nghiệp mía đường lớn nhất đón tân nữ chủ tịch, ACV 'rót' 1.750 tỷ đồng lên đời sân bay Đồng Hới.

 Chứng khoán tuần 15 - 19/7: VN-Index chờ tín hiệu phục hồi, giao dịch thận trọng vùng 1.280 điểm. Ảnh minh họa

Chứng khoán tuần 15 - 19/7: VN-Index chờ tín hiệu phục hồi, giao dịch thận trọng vùng 1.280 điểm. Ảnh minh họa

VN-Index "đi lùi" 3 phiên liên tiếp

Tuần qua thị trường tiếp tục ghi một tuần giao dịch giằng co trước mốc 1.300 điểm. VN-Index chốt tuần với 1.280,75 điểm, giảm nhẹ 3,05 điểm so với phiên trước đó.

Áp lực bán gia tăng với thanh khoản thấp tại hơn 15.200 tỷ đồng (giảm 17,7% so với phiên trước đó), tâm lý thận trọng của giới đầu tư tiếp diễn khiến VN-Index nối dài chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp tuần qua. Số mã giảm là 298 mã (3 mã nằm sàn), 140 mã tăng (2 mã tăng đỉnh) và 76 mã đi ngang.

Nhóm cổ phiếu trụ đóng vai trò thúc đẩy đà giảm của thị trường trong diễn biến giằng co. Ở chiều tiêu cực, HPG (Thép Hòa Phát, HOSE) bất ngờ dẫn đầu với chỉ số giảm 1,21%; nối tiếp là MSN (Masan, HOSE) giảm 1,32%... Còn ở chiều tích cực, FPT (FPT, HOSE) quay đầu tăng 0,6%, VIC (Vingroup, HOSE) cũng tăng tích cực 1,58%…

Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh (Ảnh: SSI iBoard)

Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh (Ảnh: SSI iBoard)

Nhóm ngân hàng nổi bật khi sắc đỏ bao trùm toàn ngành: HDB (HDBank, HOSE), BID (BIDV, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE), MBB (MBBank, HOSE)…

Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng, cộng hưởng thêm đà tiêu cực của thị trường.

Theo ông Đỗ Thanh Sơn, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Chứng khoán Mirae Asset, thị trường có khởi đầu tháng 7 tương đối tích cực, tiệm cận vùng 1.300 điểm, song, sự phân hóa lại khá lớn và rõ nét.

Ngoài ra, đây là thời điểm nhạy cảm với các tin tức từ kết quả kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp không nhận được sự quan tâm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 trong thời gian gần đây chịu áp lực, đây là một rào cản lớn khiến chỉ số gặp khó tại vùng 1.300. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng thuận của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng là điểm then chốt khiến thị trường có khả năng gặp nhiều bấp bênh rung lắc trong tuần tới.

Cổ phiếu công nghệ FPT chịu áp lực bán ròng 1.300 tỷ đồng tuần qua

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến giằng co biên độ hẹp tuần qua, khối ngoại là điểm trừ lớn khi duy trì đà bán ròng. Tính tổng 5 phiên tuần qua, khối ngoại đã bán ròng gần 4.500 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trong đó, cổ phiếu FPT (FPT, HOSE) trở thành tâm điểm khi chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với 1.334 tỷ đồng, chủ yếu là bán khớp lệnh.

Kế tiếp là MWG (Thế giới di động, HOSE) và VHM (Vinhomes, HOSE) lần lượt bị bán ròng 551 tỷ đồng và 467 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, một trong những cổ phiếu bệnh viện hiếm hoi trên sàn, TNH (CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, HOSE) bất ngờ được mua mạnh với giá trị 163 tỷ đồng.

ACV chuẩn bị "trùng tu" sân bay trong bối cảnh khó khăn

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, UPCoM) vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thành phần 1 xây dựng nhà ga T2 thuộc cảng hàng không Đồng Hới tại xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình.

Phối cảnh Nhà ga T2 Sân bay Đồng Hới

Phối cảnh Nhà ga T2 Sân bay Đồng Hới

Theo đó, nhà ga hành khách T1 đang phải khai thác vượt công suất thiết kế hơn 50%. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai và nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách.

Công trình dự kiến khởi công vào quý 3/2024, hoàn thành và đi vào sử dụng vào quý 1/2026.

Về tình hình kinh doanh, trong xu hướng khó khăn chung của ngành hàng không, chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2 của ACV đạt 2.354 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng 6 tháng, ACV ghi nhận tổng doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 21,7%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.983 tỷ đồng tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam đón tân nữ chủ tịch mới

Theo xếp hạng của Vietnam Report năm 2023, TTC AgriS là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ở lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh đường.

Mới đây, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa – TTC AgriS (SBT, HOSE) đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị bầu bà Đặng Huỳnh Ức My vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thay cho mẹ ruột, bà Huỳnh Bích Ngọc.

Bà được biết là một trong những lãnh đạo chủ chốt, đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, đưa TTC AgriS chuyển mình, bứt phá trong cuộc đua chuyển đổi số, trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Chân dung tân nữ chủ tịch TTC AgriS, bà Đặng Huỳnh Ức My (Ảnh; Internet)

Chân dung tân nữ chủ tịch TTC AgriS, bà Đặng Huỳnh Ức My (Ảnh; Internet)

Hiện tại, bà Đặng Huỳnh Ức My đang sở hữu hơn 144,97 triệu cổ phần, tương đương 19,02% vốn điều lệ của TTC AgriS.

Về tình hình kinh doanh, theo kế hoạch, trong niên độ 2023-2024 (từ ngày 1/7/2023 - 30/6/2024), TTC AgriS dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ đường của công ty sẽ giảm nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh. TTC AgriS đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất giảm 17% so với cùng kỳ, xuống còn 20.622 tỷ đồng. Lãi trước thuế kỳ vọng tăng 18% lên mức 850 tỷ đồng.

Nhận định và khuyến nghị

Ông Đỗ Thanh Sơn, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Chứng khoán Mirae Asset cho biết, thị trường hồi phục trong tâm lý giằng co, thị trường cần thêm cơ sở để đánh giá thị trường.

Song, về dài hạn, nền tảng thị trường vẫn có tín hiệu tích cực: Chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa vẫn ủng hộ tối đa cho tăng trưởng kinh tế; Tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại vẫn còn kỳ vọng: chấp nhận điều khoản pre-funding (yêu cầu ký quỹ trước), nâng hạng FTSE (FTSE Russell); Định giá toàn thị trường vẫn rẻ so với khả năng sinh lợi ROE (lợi nhuận trên vốn).

Nhà đầu tư nên tập trung cơ hội cho nửa cuối năm 2024, thay vì diễn biến tăng/giảm của thị trường (Ảnh: SSI iBoard)

Nhà đầu tư nên tập trung cơ hội cho nửa cuối năm 2024, thay vì diễn biến tăng/giảm của thị trường (Ảnh: SSI iBoard)

Riêng triển vọng Việt Nam, thị trường sẽ "sáng" hơn trong năm nay và dài hạn, nhờ: Kinh tế ngoại giao đạt tiềm năng tối đa khi nền kinh tế thế giới trải qua suy thoái (dự kiến 2025-2026); thay đổi các bộ luật lớn: Luật Đất đai, kinh doanh bất động sản; Chính phủ tiếp tục ưu tiên chính sách thu hút FDI.

Nhà đầu tư nên tập trung vào các cơ hội triển vọng cuối năm 2024 và quản trị danh mục với tỷ trọng phân bổ hợp lý, hơn là dự đoán thị trường tăng giảm. Mùa kết quả kinh doanh bán niên 2024 đang dần lộ diện, nhà đầu tư cần lựa chọn một cách tập trung và có chọn lọc.

Nhóm ngành đáng chú ý trong giai đoạn nửa cuối năm là bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, cần lưu ý, bởi việc phục hồi chung của tất cả các doanh nghiệp trong ngành BĐS là tương đối khó. Chỉ có các doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi và có năng lực vượt trội như tiềm lực tài chính, quỹ đất tiềm năng, khả năng xử lý pháp lý và nhiều dự án sẵn sàng cho giai đoạn sắp tới mới có thể tồn tại để phát triển qua giai đoạn này.

Chứng khoán TPS cho rằng, thị trường duy trì đà giảm với bên bán chiếm ưu thế. TPS kỳ vọng vị thế mua sẽ xuất hiện quanh 1.270 – 1.280 điểm nhưng kịch bản rủi ro có thể xảy ra khi chỉ số mất đi vùng giá hiện tại. Nhà đầu tư được khuyến nghị giải ngân nhỏ quanh vùng 1.270 – 1.280 điểm và chờ tín hiện từ thị trường (đột biến thanh khoản) để tham gia mạnh mẽ hơn.

Chứng khoán SSI nhận định, chỉ số đang trong quá trình tìm kiếm điểm cân bằng ngắn hạn. VN-Index có thể tiếp tục đà giảm và dao động trong biên độ 1.270 – 1.282 điểm.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 33 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tuần này, trong đó, 21 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 8 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu, 3 doanh nghiệp phát hành thêm và 2 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp.

Tỷ lệ cao nhất là 100%, thấp nhất là 5%.

8 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, gồm:

CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/7, tỷ lệ 10%.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/7, tỷ lệ 20%.

CTCP BV Land (BVL, UPCoM) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/7, tỷ lệ 7%.

CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (VC3, HNX) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/7, tỷ lệ 12%.

CTCP Điện nước Lắp máy Hải Phòng (DNC, HNX) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/7, tỷ lệ 25%.

CTCP Môi trường đô thị Quảng Ngãi (MQN, UPCoM) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/7, tỷ lệ 21%.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7, tỷ lệ 5%.

CTCP Vận tải Xăng dầu đường thủy Petrolimex (PJT, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7, tỷ lệ 8%.

3 doanh nghiệp phát hành thêm, gồm:

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC, HOSE) thực hiện quyền mua, ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/7, tỷ lệ 33,3%.

CTCP Vimeco (VMC, HNX) thực hiện quyền nhận cổ phiếu, ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/7, tỷ lệ 10%.

CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng (LBM, HOSE) phát hành thêm, ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7, tỷ lệ 100%.

2 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp, trong đó 1 doanh nghiệp trả cổ tức cho 2 đợt bằng tiền mặt (theo dõi tại bảng), 1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu.

CTCP Xây dựng và Đầu tư Visicons (VC6, HNX) trả cổ tức kết hợp, với hình thức cổ phiếu, ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/7, tỷ lệ 10%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền tuần này

*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-15-19-7-vn-index-cho-tin-hieu-phuc-hoi-giao-dich-than-trong-vung-1280-diem-20240715075339764.htm