Chứng khoán tuần từ ngày 6-10/5: Không loại trừ khả năng thị trường có đợt điều chỉnh

Hai phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, thị trường chứng khoán đã phục hồi tích cực sau đợt giảm hơn 100 điểm, các nhà đầu tư kỳ vọng rủi ro ngắn hạn đã qua.

Diễn biến của hai phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index tăng gần 12 điểm, tương đương 0,95% lên 1,221,03 điểm. HNX cũng tăng 0,62% lên 228,2 điểm và Upcom tăng 1,13% lên 89,8 điểm. Thị trường hồi phục tích cực sau cú giảm hơn 100 điểm trước đó nhưng thanh khoản vẫn còn yếu, chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng trên cả ba sàn. Dòng tiền tập trung vào FPT (+3,3%), SAB (+4%) và nhóm cổ phiếu ngành điện khi nhu cầu sử dụng điện gia tăng trong quý I.

Không loại trừ khả năng thị trường tuần tới có đợt điều chỉnh

Không loại trừ khả năng thị trường tuần tới có đợt điều chỉnh

Tiếp xu hướng phục hồi, nhiều mã/nhóm mã tiếp tục có xu hướng tăng giá tích cực, vượt đỉnh cũ với thanh khoản khá đột biến như nhóm xuất khẩu đá/gỗ như PTB tăng 6,6%, VCS tăng 3,67%... điện với VSH tăng 2,94%, REE tăng 2,65%, PPC tăng 2,09%...

Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông bắt đầu có diễn biến phân hóa hơn, nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng giá mạnh như VGI giảm 4,07%, CMG giảm 2,28%, FPT giảm 1,10%... trong khi các mã vẫn tăng giá tích cực như FOX tăng 9,68%, VTP tăng 2,34%, CTR tăng 1,96%....

Trong tuần, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, có diễn biến kém tích cực hơn thị trường chung, đa số biến động hẹp, chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình với VBB giảm 5,51%, LPB giảm 1,46%, VIB giảm 0,93%... ngược lại các mã tăng giá khá tích cực, thanh khoản trên mức trung bình như HDB tăng 3,38%, TCB tăng 2,88%, VAB tăng 2,30%...

Cùng với diễn biến kém tích cực là các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán, đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình trong bối cảnh thanh khoản thị trường đang ở mức thấp.

Tình trạng phân hóa mạnh cũng diễn ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản, đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình như QCG giảm 4,66%, NVL giảm 2,34%, TDC giảm 1,69%, SJS giảm 1,30%... một số mã giao dịch tích cực khá nổi bật là NLG tăng 3,95%, FIR tăng 3,08%, PDR tăng 2,67%, KDH tăng 2,57%...

Khối ngoại trong tuần bán ròng 378 tỷ đồng. Hầu hết giao dịch đến từ việc khối này bán ra hơn 12 triệu cổ phiếu BWE, trị giá 515 tỷ đồng. Chiều mua ròng, khối ngoại đã mua vào MWG với giá trị 243 tỷ đồng, BID 54,5 tỷ đồng và VNM 35,8 tỷ đồng.

Tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực. Đầu tiên là số liệu vĩ mô trong nước tháng 4 được công bố cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững.

Một số khía cạnh của nền kinh tế có chuyển biến tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công. Diễn biến này củng cố cho kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong những quý tới đây.

Bên cạnh đó, đà tăng của VN-Index phù hợp với đà tăng của các thị trường chứng khoán thế giới khi Fed giữ nguyên lãi suất và bác bỏ khả năng tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 6. Sau bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell về chính sách tiền tệ, chỉ số đôla Mỹ (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đồng loạt giảm, điều này giúp giải tỏa phần nào áp lực đối với tỷ giá VND trong ngắn hạn.

Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán tuần tới, theo Công ty Chứng khoán ASEAN,thị trường kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước với mô hình nến Doji, thể hiện sự do dự của cả phe mua và bán. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp trong phiên và tăng nhẹ vào cuối phiên do hoạt động thay đổi danh mục của quỹ VNDiamond.

“Các chỉ báo động lượng dần tiến về vùng trung lập, cho thấy thị trường có khả năng bước vào giai đoạn điều chỉnh nhẹ trong thời gian tới để xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho vùng đáy. Chỉ báo MACD vẫn đang ở vùng âm, nhưng Histogram đang thu hẹp dần, báo hiệu đợt điều chỉnh sắp tới có thể diễn ra không quá mạnh”, Công ty Chứng khoán ASEAN dự báo.

Với những diễn biến vừa qua của thị trường, nếu tính từ vùng 1.170 điểm, nhịp hồi phục hiện nay đã tăng hơn 50 điểm, khoảng 1/2 điểm số mất đi từ phiên ngày 15/4. Những cổ phiếu hồi phục kỹ thuật có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh sau mức hồi phục vừa qua. Vùng 1.230 điểm là kháng cự đáng lưu ý của chỉ số trong ngắn hạn.

Về diễn biến thanh khoản, nhóm phân tích từ Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, VN-Index dù tăng điểm, nhưng thanh khoản thấp chưa thể khẳng định điều gì cho xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế thể hiện qua thanh khoản liên tục duy trì mức thấp.

Cùng chung quan điểm trên, Công ty Chứng khoán AIS đưa ra nhận định, trong những phiên tiếp theo, VN-Index khả năng sẽ tiếp cận vùng kháng cự 1.225-1.230 điểm. Tại vùng này, thanh khoản là yếu tố then chốt quyết định cho đà tăng của chỉ số.

“Nếu thiếu đi sự ủng hộ của thanh khoản, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động trong ngưỡng 1.225-1.230 điểm và không loại trừ khả năng có một đợt điều chỉnh giảm điểm ngắn hạn”, Chứng khoán AIS khuyến cáo nhà đầu tư.

Những thông tin dự báo về thị trường chứng khoán chỉ mang tính chất tham khảo!

Song Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-khoan-tuan-tu-ngay-6-105-khong-loai-tru-kha-nang-thi-truong-co-dot-dieu-chinh-318405.html