Chứng nhận nghề nghiệp: Nâng cao trình độ hay thêm gánh nặng nhà giáo?
Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng Luật Nhà giáo cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến từ thực tế những người giảng dạy tránh phiền toái cho người giáo viên.
Vừa qua, tại hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo, đại điện Bộ GD&ĐT thông tin dự kiến quy định nhà giáo là người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo quy định, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều đáng chú ý, chính sách này quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Trong đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo.
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có hay không nên nhà giáo cần thêm một giấy chứng nhận nghề nghiệp?
Chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng nhà giáo
Trao đổi với
Người Đưa Tin
, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT đánh giá yêu cầu có giấy phép hoặc chứng nhận để trở thành giáo viên được nhiều quốc gia yêu cầu nhất là đối với các trường công lập.
“Việc cấp phép đảm bảo rằng giáo viên đáp ứng các tiêu chí giáo dục và đào tạo cụ thể, chứng tỏ họ có khả năng giảng dạy và quản lý lớp học. Giấy chứng nhận này phản ánh trình độ học vấn, kinh nghiệm thực hành giảng dạy, năng lực chuyên môn theo vị trí chức danh nghề dạy học, việc nâng cao năng lực qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Đôi khi giáo viên muốn có giấy chứng nhận này phải vượt qua các kỳ thi cấp giấy phép”, ông Vinh bày tỏ.
Theo chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng việc cấp chứng nhận làm phiền hà thủ tục hành chính, giấy phép “con”,…dư luận có phản ứng như vậy là do những người tham gia soạn thảo nội dung này chưa thật sự làm rõ được mục đích, ý nghĩa và giá trị của giấy phép này.
Về mục đích của việc cấp giấy chứng nhận, ông Vinh cho biết: “Điều này phù hợp với chính sách đổi mới giáo dục và mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh.
Giúp đảm bảo rằng những người bước vào nghề có kiến thức và kỹ năng cần thiết để giáo dục học sinh một cách hiệu quả qua khả năng hiểu biết về môn học, phương pháp giảng dạy và kỹ năng quản lý lớp học góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục”.
Ngoài ra, đây cũng thể hiện một bộ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức mà các nhà giáo dục phải tuân thủ. Thể hiện mức độ chuyên nghiệp theo chức danh và sự cam kết của nhà giáo trong một lĩnh vực quan trọng và ảnh hưởng lớn như giáo dục.
Cũng theo ông Vinh ngay cả khi các giáo viên đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm, nhưng vẫn luôn tồn tại khoảng cách giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế.
“Nhiều kỹ năng thực hành sư phạm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế bài giảng, giảng dạy... quản lý lớp học, ứng xử với
học sinh
và đồng nghiệp giáo sinh ra trường còn thiếu hụt so với yêu cầu dạy học với sự đa dạng về cách học của học sinh, về nhu cầu vùng miền cụ thể”, ông Vinh bày tỏ.
Nhiều băn khoăn về cơ quan cấp phép giấy chứng nhận
Là một giáo viên phổ thông đã có 12 năm tham gia giảng dạy ở các môi trường công lập và ngoài công lập, chia sẻ với
Người Đưa Tin
, ông Hồ Như Hiển - Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa bày tỏ: “Tôi thấy dự thảo cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên là chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế của giáo dục Việt Nam hiện nay”.
Theo ông Hiển, kinh phí để cấp giấy chứng nhận sẽ rất tốn kém, dù Bộ GD&ĐT có chủ trương cấp miễn phí nhưng để được cấp giấy chứng nhận sẽ phải qua nhiều công đoạn và nguồn lực.
“Việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là sự chồng chéo lên các loại bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ, mà giáo viên đã có. Bằng đại học sư phạm, các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, các giấy tờ liên quan đến biên chế, hợp đồng lao động đều đã quy định rõ ràng nghề nghiệp của người tham gia quá trình giáo dục đào tạo là gì, không có lý do gì bày thêm giấy chứng nhận để làm nhiêu khê, phức tạp, chồng chéo thêm”, ông Hồ Như Hiển bày tỏ quan điểm.
Cùng với đó, giấy chứng nhận chưa chứng minh được việc có nâng cao chất lượng giảng dạy và giảm bớt thủ tục hành chính cồng kềnh, phiền toái cho giáo viên.
Thầy giáo cho rằng giấy chứng nhận nghề nghiệp do ai cấp, căn cứ nào để cấp, giá trị pháp lý như thế nào, thời gian hiệu lực bao lâu, thu hồi, xóa bỏ ra sao vẫn chưa cụ thể. Với những nội dung chưa cụ thể, nhất thiết không đưa ra để gây dư luận.
Cuối cùng, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp đã đồng thời với việc đưa nghề giáo trở thành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này rất bất hợp lý trong các chính sách về giáo dục hiện nay.
Trước đề xuất này, ông Hồ Như Hiển đề xuất: “Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu thật kỹ, đi lên từ thực tế, cơ sở để nắm bắt những hạn chế, tồn tại, yếu kém và tìm cách khắc phục bằng hành động cụ thể chứ không phải bằng cách ban hành các giấy tờ, thủ tục để làm trầm trọng thêm các khó khăn của ngành giáo dục nói chung và thầy cô giáo nói riêng”.
Đồng thời, nên có những hệ thống chính sách thật sự cần thiết, đúng với thực tiễn, đơn giản, minh bạch, đảm bảo cho các thầy, cô giáo "sống được" với nghề dạy học.
“Đối với việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp thì đơn vị cấp phải là hội/hiệp hội nhà giáo, trong khi đó, hội này chưa tồn tại trên thực tế ở Việt Nam.
Nếu muốn tổ chức cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên, Nhà nước cần ban hành quy định việc giáo viên tổ chức hiệp hội/hội nhà giáo. Hội nhà giáo phải có tư cách pháp nhân, độc lập và tự chủ hoàn toàn về mọi mặt chứ không phải do Bộ GD&ĐT lập ra, là cánh tay của bộ để quản lý giáo viên”, ông Hồ Như Hiền đưa ra ý kiến.
Hội nhà giáo sẽ làm những nhiệm vụ riêng liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo mà Bộ GD&ĐT không thể can thiệp, khi đó, việc cấp giấy chứng nhận mới có hiệu quả thực chất.