Chung sức phát triển du lịch địa phương
Với nhiệm vụ của mình, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc để chung sức phát triển du lịch Bình Thuận…
Năm nay, ngành tập trung thực hiện thi công chuyển tiếp 5 kè biển, gồm: Kè Hàm Tiến - giai đoạn 2 (dài 640 m), kè Liên Hương - giai đoạn 2 (dài 550 m), kè Phước Lộc - giai đoạn 2 (dài 480 m), kè Thanh Hải (1.050 m) và kè Hòa Phú (1.000 m). Trong đó, kè Hàm Tiến - giai đoạn 2 có điểm đầu tiếp giáp Khách sạn Hoàng Ngân chạy về hướng Mũi Né với chiều dài 640 m phục vụ bảo vệ một số cơ sở du lịch hiện đã thi công 400 m, dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng…
Thời gian qua, công tác giữ gìn, bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng phòng hộ, rừng ngập mặn… phục vụ du lịch cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực triển khai. Theo đó tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện có, trồng rừng và khoanh nuôi phục hồi rừng để phủ xanh các diện tích đất trống, đồi núi trọc nhằm tạo môi trường xanh, khí hậu trong lành góp phần thu hút du lịch.
Đặc biệt với Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau luôn được ngành quan tâm phối hợp thực hiện. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã xây dựng, lắp mới 2 bảng tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nội dung: “Đảo Hòn Cau - Không rác thải” và “ Chung tay bảo vệ rùa biển” tại đảo. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân cũng như tổ chức, cá nhân (đơn vị vận chuyển khách, quán ăn) hoạt động trong Khu bảo tồn biển về các quy định khi tham gia hoạt động du lịch tại đây.
Tuyên truyền bảo vệ môi trường trên đảo Hòn Cau (huyện Tuy Phong).
Bên cạnh đó còn tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở du khách, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển đảo và nội quy, quy chế của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Như tổ chức cho 2 quán ăn tại đảo ký cam kết bảo vệ môi trường, cụ thể là trang bị thùng chứa rác, thường xuyên thu gom rác thải xung quanh quán và trên đảo, không đổ nước thải xuống biển. Phối hợp với cộng tác viên, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch và lực lượng quân sự tại đảo Hòn Cau tổ chức thu gom rác thải định kỳ mỗi tháng 1 lần.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến nay cũng đã lắp đặt 3 dây phao báo hiệu khu vực tắm biển với tổng chiều dài gần 200 m tại khu vực bãi Quán, thả 1 dây phao khoanh vùng tắm biển - lặn ngắm san hô với chiều dài 100 m và 1 phao neo, đậu tàu khu vực đón trả khách tại đảo Hòn Cau. Cùng với đó còn xúc tiến thành lập địa điểm bến neo, đậu tàu thuyền đón trả khách du lịch và hiện được Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau triển khai các bước tiếp theo…
Tiếp tục chung sức phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên đầu tư kè biển phục vụ phát triển du lịch, khu neo đậu tàu thuyền. Tăng cường bảo vệ, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, khu bảo tồn biển phục vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm sống hài hòa với thiên nhiên gắn với giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, phối hợp quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn Bình Thuận.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chung-suc-phat-trien-du-lich-dia-phuong-100220.html