Chúng ta cần bước vào quỹ đạo mới và khác

Việt Nam đang có động lực và khát khao lớn - được các nhà lãnh đạo cổ vũ - để bước sang quỹ đạo mới và khác cho phát triển đến thịnh vượng.

Thích nghi trong thế giới VUCA hôm nay

Bắt đầu 2025, năm cuối cùng trước khi bước vào “Kỷ nguyên mới”, mỗi người chúng ta cần chút khoảng lặng trong tâm để ngẫm về một khái niệm đã cũ VUCA – thuật ngữ đề cập đến sự hỗn loạn của thế giới ngày nay (*).

Từng cá nhân có lẽ cảm nhận được một thế giới VUCA đó đã lồng lộng hiển hiện ngay trong cuộc sống của mình và những người thân gần gũi xung quanh, từ nông thôn, đến thành thị, từ người nghèo đến người giàu.

Nhận thức là một quá trình. Khoảng lặng đó là cần thiết để chúng ta cảm nhận, điều chỉnh và thích nghi nếu không muốn ra rìa phát triển.

Mỗi con người là vậy, mỗi quốc gia, dân tộc cũng không khác trong một thế giới VUCA đầy bất định nhưng tiến nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người.

Việt Nam chúng ta cũng không ngoài vòng quay đó.

Những trói buộc, giáo điều níu kéo cần phải được phá vỡ để đất nước tiến lên thịnh vượng, tiến bộ và văn minh. Ảnh: Hoàng Hà

Những trói buộc, giáo điều níu kéo cần phải được phá vỡ để đất nước tiến lên thịnh vượng, tiến bộ và văn minh. Ảnh: Hoàng Hà

Những thành quả của 40 năm Đổi mới đã chứng minh, cứ mỗi khi người dân được tạo động lực, được cởi trói bởi những rào cản thì quốc gia phát triển lột xác, vượt bậc.

Từ một nền kinh tế đơn thành phần là Nhà nước, Việt Nam đã cải cách kinh tế, trao quyền kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp và phát triển theo hướng kinh tế thị trường.

Nhờ đó mà chúng ta được coi là “ngôi sao kinh tế toàn cầu” trong 30 năm qua và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,4%, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trong khu vực ngoại trừ Trung Quốc và Myanmar, theo Ngân hàng Thế giới.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước luôn ở đỉnh của thế giới với tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9 so với mức 60% năm 1986.

Nhưng GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ xếp thứ 124 trên thế giới, quy mô nền kinh tế của nước ta, dù xếp thứ 40, cũng chỉ chiếm chưa đến 1% GDP toàn cầu. Tụt hậu vẫn đeo bám mãi nước ta.

Trong khi đó, những quả ngọt dễ hái của Đổi mới đã cạn, các động lực của nền kinh tế đã giảm, lòng tin kinh doanh phôi pha và nguy cơ chưa giàu đã già đã dần lộ rõ khi thời kỳ dân số vàng đang dần qua đi trong thập kỷ tới.

Chúng ta phải thay đổi thực tế đó. Những trói buộc, giáo điều níu kéo cần phải được phá vỡ để đất nước tiến lên thịnh vượng, tiến bộ và văn minh nếu không muốn bị sập bẫy thu nhập trung bình.

Một quỹ đạo phát triển mới

Các cột mốc phát triển trong 20 năm tới thể hiện niềm khát khao và quyết tâm của các nhà lãnh đạo qua những quan điểm phát triển rất mới đang dần định hình như phác họa dưới đây:

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển.

Đột phá thể chế là “Đột phá của đột phá” vì thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm; còn cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin – cho” và tư duy bao cấp.

Xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu.

Phân cấp mạnh, toàn diện cho địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực.

Có cơ chế, chính sách hiệu quả trong phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập.

Những cam kết cải cách như trên, rất may mắn, xuất phát từ trên xuống dưới thay vì từ dưới lên, như những lần cải cách trước đây với bao ngập ngừng, do dự mà Khoán 10 là một ví dụ điển hình.

Những chủ trương định hướng phát triển như trên và nhiều hơn nữa, nếu thực sự biến thành luật pháp, chính sách và được thực thi hiệu quả, sẽ hứa hẹn tháo bung mọi rào cản, húy kỵ để giải phóng mọi nguồn lực trong dân.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước đang diễn ra; hai dự án quốc gia là đường sắt cao tốc và điện hạt nhân đã được thông qua; TP.HCM và Đà Nẵng được chọn để phát triển là trung tâm tài chính quốc tế; những tuyến đường cao tốc đang được nối với nhau là những đột phá khẩu chứng minh cho quan điểm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”.

Xin trích những mục tiêu rất tham vọng đang được đặt ra và sớm trở thành pháp lệnh tới đây:

Năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8 % trở lên, tạo đà để tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Nếu không phấn đấu các mục tiêu nêu trên thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025, không thể thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể thực hiện được hai mục tiêu 100 năm đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dựa vào dân để tăng trưởng hai con số

Câu hỏi đặt ra, chúng ta phải dựa vào đâu để phát triển đột phá, để nền kinh tế “tự lực, tự cường” và để người dân “tự hào, tự tôn”?

Câu trả lời ngắn gọn là: dựa vào dân, như Hồ Chủ tịch đã nói: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”

Xin dẫn chứng bằng một vài số liệu cơ bản từ Niên giám thống kế năm 2023, theo đó khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 20,54% GDP, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 20,45% GDP, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 50,46%.

Do Tổng cục Thống kê không công bố tỷ lệ đóng góp trong GDP của khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức, nên xin trích dẫn số liệu của Ban Kinh tế Trung ương: tỷ trọng của khu vực có đăng ký chính thức chỉ loanh quanh chưa đến 10% GDP trong nhiều năm nay.

Hay nói một cách khác, khu vực kinh tế này không lớn lên được, còn khu vực kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm đa số trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào hàng rong, hàng xén, bán phở, bán online, làng nghề vụn vặt và li ty.

Vì sao khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức không lớn lên được? Câu trả lời là do “thể chế là điễm nghẽn của điểm nghẽn”

Vì sao một dự án bất động sản cần đến 40 con dấu? Vì sao người Việt Nam phải sang Singapore làm startup mà không thể ở ngay quê hương mình? Vì sao số điều kiện kinh doanh được đẻ ra đến gần 16.000 để hạn chế quyền kinh doanh của dân?

Doanh nghiệp tư nhân chính là năng lực nội sinh tiềm tàng, chưa được khai thác hết của đất nước.

Khu vực tiềm tàng, năng lực cốt lõi của nền kinh tế, của đất nước lại cứ phát triển dặt dẹo, ẻo là thì làm sao chúng ta phát triển thành tự cường, tự tôn?

Không còn cách nào khác, phải nâng cao năng lực nội sinh của đất nước, mà như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng nói: khu vực kinh tế tư nhân phải trở thành động lực quan trọng nhất.

Hiện tại, có tới 184 luật, khoảng 200 nghị định liên quan tổ chức bộ máy cần phải sửa đổi, bổ sung khi tinh gọn bộ máy. Doanh nghiệp, người dân sẽ ra sao với số văn bản khổng lồ này khi nhiều cơ quan sẽ được hợp nhất tới đây?

Thể chế hiện nay là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đột phá thể chế là “đột phá của đột phá” đối với phát triển. Nếu tiếp cận như vậy trong xây dựng luật pháp thì số luật và nghị định khổng lồ đó, thậm chí nhiều hơn nữa, cũng sẽ được tháo gỡ.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, với kịch bản hiện hành, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam sẽ giảm xuống mức bình quân hàng năm là 5% trong hai thập kỷ tới, chủ yếu do tăng trưởng nguồn cung lao động giảm, khiến cho thu nhập theo đầu người của Việt Nam sẽ không đạt ngưỡng của quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, yêu cầu đặt ra là phải tăng hơn gấp ba thu nhập theo đầu người hiện nay của Việt Nam (4.700 đô la) trong hai mươi năm tới. Điều đó có nghĩa, Việt Nam phải duy trì bền vững tăng trưởng GDP theo đầu người ở mức khoảng 6% mỗi năm và duy trì tăng trưởng năng suất lao động thậm chí còn cao hơn nữa ở mức 6,3%, trong điều kiện dân số ở độ tuổi lao động sẽ giảm tương đối trong hai thập kỷ tới.

Đó là những cảnh báo đầy vị đắng nhưng cần thiết.

Trong tác phẩm Hành lang hẹp của hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành, khoa nguyên giải Nobel kinh tế đặt câu hỏi bao trùm là “tại sao chỉ một số ít quốc gia thành công” trong việc vươn tới tự do và thịnh vượng.

Câu trả lời vắn tắt là: Để đi tới tự do và thịnh vượng, các quốc gia đều phải tìm cách bước vào một “hành lang hẹp” trong đó đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực của nhà nước và xã hội.

Hành lang hẹp đó, mà hơn 40 quốc gia đã vượt qua một cách thành công để tiến lên thịnh vượng, đã được mở ra để đất nước bước vào với quỹ đạo phát triển mới và khác mà các nhà lãnh đạo đã chỉ ra.

Để đối diện với một thế giới VUCA đầy biến động hôm nay, niềm khát khao cần được nuôi dưỡng, động lực cần được kích thích, không gian tự do và sáng tạo cần được rộng mở cho mỗi cá nhân, cho mọi tổ chức và cả đất nước.

(*) VUCA được hình thành từ bốn từ Volatility (Biến động), Uncertainty (Không chắc chắn), Complexity (Phức tạp) và Ambiguity (Mơ hồ).

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chung-ta-can-buoc-vao-quy-dao-moi-va-khac-2368545.html