'Chúng ta có thể ngừng… ăn bánh trung thu được không?'

Tôi đã dừng lại rất lâu ở màn hình máy tính trước dòng chia sẻ cảm xúc trên Facebook của một người bạn: 'Chúng ta có thể ngừng… ăn bánh trung thu được không?'. Để rồi, suy nghĩ nghiêm túc vài điều.

Trong dịp tết Trung thu, ăn miếng bánh nướng hương vị truyền thống nhấp ngụm trà ngon là thói quen của nhiều gia đình người Việt.

Tôi biết nguồn cơn dòng trạng thái bạn chia sẻ. Đó hoàn toàn không phải lời kêu gọi nhắm đến bánh trung thu (tên gọi chung chỉ bánh nướng, bánh dẻo làm theo phương pháp truyền thống) nhằm tẩy chay món ngon của ẩm thực Việt. Có lẽ, bạn cũng như tôi, đã không giấu được sự lo lắng khi xem những hình ảnh người dân tập trung đông đúc tại các cửa hàng bánh trung thu truyền thống trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Nhìn những dòng người xếp hàng chờ đợi giữa hàng chục, thậm chí vài chục người để được… mua bánh, mà không để ý đến những yêu cầu tối thiểu về phòng, chống dịch COVID-19, tôi tự hỏi, trong những người đang sẵn sàng xếp hàng mua bánh trung thu kia, có bao nhiêu người đủ “tỉnh táo” nhận ra mình có thực sự cần đến mức phải “bất chấp” để mua được những chiếc bánh truyền thống trong ngày này?

Mỗi năm đến Rằm tháng Tám, tâm lý chung đều cố mua cho gia đình vài chiếc bánh trung thu truyền thống, nên dễ hiểu vì sao nhiều cửa hàng làm bánh trung thu nức tiếng trong những dịp cận “Tết chơi trăng” làm không đủ bán, người mua cứ xếp hàng, như thời bao cấp sử dụng tem phiếu.

Vậy nhưng, khi cuộc sống đủ đầy hơn, người ta mua bánh trung thu ngoài việc thưởng thức ăn chơi, chứ chưa hẳn là vì nhu cầu bức thiết.

Không ít các gia đình, sau ngày rằm, bánh trung thu xếp dồn một chỗ, vì nhiều lý do mà người ta chưa ăn hoặc không ăn. Nhưng khác với các loại bánh sản xuất công nghiệp, bánh trung thu hạn sử dụng không dài, đặc biệt là những chiếc bánh không chất bảo quản, rất dễ nấm, mốc. Những năm qua, câu chuyện bánh trung thu bị bỏ đi vì hư hỏng thường là chủ đề bàn tán sau mỗi dịp rằm tháng tám. Rốt cuộc đều xoay quanh việc lãng phí của nhiều gia đình hiện nay. Xếp hàng mua theo phong trào, rồi biếu tặng nhau như thói quen… Đó có lẽ là câu chuyện không hiếm gặp.

Nếu xưa kia, bánh trung thu chỉ được sản xuất vào dịp Tết Trung thu, vừa là lễ vật, trước dâng cúng tổ tiên, sau đó thưởng thức cả gia đình như một thức ngon “đến mùa” mới có. Thì giờ đây, ở những cửa hàng làm bánh trung thu truyền thống, ngoài dịp Tết Trung thu, bánh (nướng, dẻo) vẫn được làm và bán quanh năm cho người có nhu cầu.

Sau ngày Tết Trung thu vì không sử dụng kịp thời, bánh trung thu của nhiều gia đình đã bị nấm, mốc phải bỏ đi (ảnh minh họa)

Nói vậy để thấy rằng, ngay cả khi bạn là tín đồ của bánh trung thu truyền thống, bạn thèm đến mức không thể… không ăn bánh trong dịp này; bạn đã quen với việc hàng năm xếp hàng ở những cửa hàng bánh trung thu, thì trong những ngày này, khi cả nước đang căng mình với câu chuyện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bạn có thể tiết giảm cảm xúc của mình được không?

Hẳn, có người sẽ nói vậy nếu không mua bánh trung thu thì lấy gì dâng lễ cúng tổ tiên trong ngày này? Người xưa vẫn nói, lễ bạc lòng thành. Một nén tâm hương, một nải chuối chín, đĩa xôi đồ thơm mùi gạo nếp mới, tinh tươm hơn có thêm đĩa bánh rán do chính tay bạn làm ra. Chưa kể, bằng những vật dụng hiện đại có sẵn trong nhà bếp của nhiều gia đình (lò nướng mi ni; nồi chiên không dầu…), chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra chiếc bánh trung thu theo kiểu của riêng mình. Chỉ cần tâm thành, bạn tự khắc sẽ thấy mọi thứ đã đủ đầy, trọn vẹn.

Xin đừng mang sự “cầu kì bày vẽ” theo tiêu chuẩn của mình để “làm khổ” chính mình và những người xung quanh. Hãy “chậm” hơn một chút trong dòng người xếp hàng mua bánh trung thu ngoài kia để nhận ra nguy cơ tiềm ẩn.

Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chung-ta-co-the--an-banh-trung-thu-duoc-khong/21061.htm