Chúng ta đang quá dễ dãi với tờ giấy khen học sinh?
Cứ đến thời điểm kết thúc năm học, cảnh học sinh ôm giấy khen trong buổi lễ tổng kết lại tràn ngập mạng xã hội. Có lớp sĩ số 40 thì cả lớp 40 em đều được khen thưởng, danh hiệu Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu áp đảo số học sinh trung bình. Liệu chúng ta đang dễ dãi với tờ giấy khen học sinh?
Trước đây, việc đạt học sinh giỏi là việc hiếm có, có lớp không có một học sinh nào đạt học sinh giỏi, cả trường cũng chỉ được dăm bảy học sinh vinh dự bước lên cột cờ nhận thưởng vào cuối năm. Thế nên, niềm vinh hạnh trở nên lớn lao vô cùng, là niềm tự hào không chỉ của bản thân mà của cả cha mẹ thậm chí cả dòng họ.
Hiện nay, loạn học sinh giỏi có phải do tiêu chí đánh giá xếp loại không còn khắt khe như trước?
Cơn mưa giấy khen đến từ đâu?
Điều quan trọng góp phần tạo cơn mưa giấy khen chính là sự dễ dãi của nhiều trường học, nhiều giáo viên khi "phóng tay" ban phát khá nhiều những nhận xét tốt trong khi thực tế chưa đạt được như vậy.
Hiện nay, học sinh tiểu học được đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT: khen thưởng Học sinh Xuất sắc đối với Học sinh tiểu học. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, nếu đánh giá đúng, công tâm và khách quan thì có lớp sẽ không có một học sinh Xuất sắc. Đơn cử là:
Điểm a, Khoản 1, Điều 13, Khen thưởng quy định:
1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:
a) Khen thưởng cuối năm học:
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Nghĩa là, học sinh muốn đạt được một trong 2 danh hiệu Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu thì phải đạt 8 đến 9 môn học và 13 phẩm chất, năng lực cốt lõi được xếp tốt.
Để một học sinh đạt được tất cả loại tốt như thế là không hề đơn giản. Trong 8 đến 9 môn học có môn Nghệ thuật gồm 2 phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Học sinh muốn được đánh giá tốt ở 2 phân môn này phải thật sự là người có năng khiếu âm nhạc và có khiếu mỹ thuật.
Trong thực tế, có nhiều học sinh học giỏi các môn nhưng không thể hát tròn vành rõ chữ, gõ phách chưa đều hoặc không thể vẽ nên một bức tranh đẹp cũng không thể được đánh giá tốt (trừ khi giáo viên trực tiếp du di) nên sẽ khó lọt vào danh sách khen thưởng. Vì thế, để được thầy cô đánh giá tốt thì học sinh ấy phải thật sự xuất sắc một cách toàn diện.
Đó là xét ở mặt đánh giá đúng và công bằng. Tuy nhiên trong thực tế, ở nhiều trường học một số thầy cô giáo dạy bộ môn vẫn thường hay nói "mấy môn này ấy mà, thôi du di cho tụi nó" và sẵn sàng nhận xét tốt.
Bên cạnh đó, gặp giáo viên chủ nhiệm dễ dãi, thích thành tích cũng thoải mái khi đánh giá 13 phẩm chất và năng lực tốt. Bởi thế, mới có chuyện "mưa giấy khen".
Một lớp học mà sĩ số học sinh xuất sắc và học sinh tiêu biểu chiếm áp đảo đến trên 90% tự nhiên thấy tờ giấy khen trở nên rẻ rúng và mất đi giá trị. Sẽ có nhiều em suy nghĩ: Chẳng còn cảm giác khát khao, ước ao sẽ có được tấm giấy khen, chẳng còn phải lo học hành và phấn đấu thì cuối năm vẫn được khen. Học sinh sẽ càng lơ là và chây lười còn phụ huynh ngày càng ảo tưởng con mình là giỏi.
Giáo viên bị phụ huynh chất vấn khi con không được khen thưởng
Nhiều giáo viên hiểu hơn cả áp lực phải nghe những cuộc điện thoại, phải tiếp những cuộc ghé thăm của phụ huynh mà mục đích chỉ là câu hỏi "năm nay, con tôi có đạt học sinh xuất sắc?".
Đã có không ít phụ huynh khi biết tin con không đạt được danh hiệu như kỳ vọng thì gần như lên giọng chất vấn, gây áp lực với các thầy cô.
Lý do phụ huynh đưa ra gần giống nhau như: "Năm lớp 1 con được khen, sao năm nay lớp 2 lại không được?".
Ai cũng cho rằng con mình học rất giỏi: "Nó nói thi môn nào cũng được 9 với 10 mà sao lại không được khen thưởng?"; Hoặc "Nó chăm học. Học giỏi lắm. Bài toán nào cũng làm được hết. Hôm nào đi học về cũng khoe, con được cô giáo khen mà sao cuối năm lại không được?".
Có phụ huynh lại chất vấn kiểu: "Cô nói môn học ấy bé chỉ đạt Hoàn thành nhưng gia đình có thấy cô gửi nhận xét về nhà hay thông báo cho phụ huynh biết đâu?".
Cũng có phụ huynh khi biết tin con được xếp tốt ở tất cả các môn học và được đánh giá Hoàn thành tốt ở các phẩm chất và năng lực cốt lõi trừ một môn chuyên như Âm nhạc, Mỹ thuật hay Thể dục xếp Hoàn thành nên không đủ điều kiện khen, họ quay sang chê trách thầy cô giáo khó và có thái độ coi thường môn học. Nào là: "Môn học ấy là môn phụ sao phải căn ke với các em?"; "đánh giá như thế là thiệt thòi cho học sinh".
Hết gây sức ép, phụ huynh quay sang năn nỉ ỉ ôi: "Mong cô thương tình giúp cháu, giúp gia đình. Chúng tôi đội ơn cô".
Giáo viên chủ nhiệm đã ra sức giải thích việc đánh giá xếp loại học sinh khối 1, 2 và 3 theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT nên các yêu cầu được siết chặt hơn việc đánh giá, xếp loại học sinh trước đây. Học sinh muốn đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc hoặc Học sinh Tiêu biểu cũng phải có 8-9 môn học và 13 năng lực phẩm chất phải được đánh giá tốt.
Xem chừng lời giải thích của giáo viên cũng không được nhiều phụ huynh chú ý. Mục tiêu cuối cùng là con phải được khen thưởng.
Quá nhiều lý do phụ huynh muốn con có giấy khen
Có khá nhiều lý do để phụ huynh tha thiết mong ngóng tờ giấy khen của con từ phía nhà trường. Có người muốn được khoe con giỏi, người lại tiết lộ muốn sưu tầm đủ giấy khen cho con từ các lớp. 2 năm trước đạt danh hiệu học sinh xuất sắc thì năm nay nhất định cũng phải có.
Người lại nói rằng: "Cơ quan, khu phố tặng quà cho học sinh có giấy khen, mình sẽ là người đại diện cơ quan trao quà, phần thưởng cho con cái trong công ty mà con mình không có, sao có thể làm gương? Như thế thì còn mặt mũi nào mà phát động cuộc thi đua cho những năm tới?"
Loạn học sinh được khen thưởng như trước đây cũng bị công chúng công kích, lên án. Nay, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT mới đã siết chặt để những học sinh đạt danh hiệu học sinh được khen thưởng phải thật sự xuất sắc. Vì thế, số lượng học sinh được khen sẽ không có nhiều. Tuy nhiên, nếu phụ huynh vẫn còn nặng bệnh thành tích sẽ tạo nhiều áp lực cho chính con em mình và cho cả ngành giáo dục.