Chúng ta là người tạo tác vận mệnh cho chính mình

Kiểm soát những hỗn độn trong tâm trí là điều không hề dễ dàng. Vậy nên, bộ sách 'Nghiệp và Kiến tạo bản thân' của Sadhguru sẽ là bản đồ dẫn lối bạn trên con đường tự chuyển hóa.

 Bộ sách Nghiệp và Kiến tạo bản thân. Ảnh: Phạm Thủy.

Bộ sách Nghiệp và Kiến tạo bản thân. Ảnh: Phạm Thủy.

Sadhguru là một vị yogi, một nhà huyền linh và một người có tầm nhìn xa. Ông được vinh danh là một trong năm mươi người có ảnh hưởng nhất Ấn Độ. Ông cũng từng được trao ba giải thưởng công dân ở Ấn Độ, trong đó có một giải thưởng vì những hoạt động về môi trường cũng như giải thưởng công dân hàng năm cao quý nhất của đất nước dành cho những đóng góp xuất sắc và đặc biệt của ông. Ngoài ra, ông còn là một diễn giả và là người có sức ảnh hưởng dư luận.

Thấu hiểu hơn tâm trí và trái tim mình

Bộ sách Nghiệp và Kiến tạo bản thân của Sadhguru gồm hai tác phẩm Karma - Nghiệp: Chỉ dẫn kiến tạo vận mệnh của một yogiInner Engineering - Kiến tạo bản thân: Chỉ dẫn sống an vui của một yogi. Qua bộ sách, vị yogi của Ấn Độ này dẫn dắt chúng ta từng bước vén màn sương mù của những mâu thuẫn nội tại trên hành trình đi vào bên trong, qua đó thấu hiểu hơn tâm trí và trái tim mình.

Khi bắt đầu đọc bộ sách này, có một câu hỏi được đặt ra là:“Liệu có thực sự cần lời khuyên của một Guru?”. Về nghĩa đen, “guru” có nghĩa là “người xua tan bóng tối”.

Trái với quan niệm phổ biến, vai trò của guru không phải là dạy dỗ, truyền thụ, hay biến cải người khác. Guru hiện diện là để chiếu rọi ánh sáng vào những phương diện vượt ngoài tri giác và diễn biến tâm lý của bạn, những phương diện mà hiện thời bạn không có khả năng nhận thức. Về cơ bản, guru hiện diện là để chiếu rọi ánh sáng vào chính bản chất sự tồn tại của bạn.

Hiện nay, chúng ta sẽ nghe nhiều lời khuyên về việc “sống ở hiện tại”. Thế nhưng, liệu những lời giáo huấn bạn đang nghe có thực sự đúng hay nó chỉ là sự ngộ nhận tai hại?

Sự thật là, bạn sẽ thường đau khổ về những gì xảy ra từ rất nhiều năm trước và cũng có thể đau khổ về những chuyện xảy ra vào ngày kia, ngày kìa. Mà cả hai đều không phải là sự thật xác thực. Chúng chỉ là một vở kịch do ký ức hay trí tưởng tượng của bạn dựng lên. Vậy thì phải chăng để tìm kiếm sự bình yên, bạn phải phá hủy tâm trí mình? Không phải thế, bạn chỉ cần kiểm soát được nó mà thôi.

Trong tác phẩm Karma - Nghiệp: Chỉ dẫn kiến tạo vận mệnh của một yogi, Sadhguru viết: “Những điều bạn thích và không thích chính là nền tảng cho nghiệp quả của bạn”. Vậy “Nghiệp” là gì?

Theo tác giả sách, “Nghiệp” là một phần tất yếu trong cuộc đời mỗi chúng ta. Cái cơ chế quy định rằng chúng ta không thể nào trốn tránh hệ quả phát sinh từ những hành động của bản thân. Cái chu kỳ dường như bám riết lấy chúng ta bất kể chúng ta có đi đến đâu.

Con đường chuyển hóa tâm thức để có cuộc sống hạnh phúc hơn

Với tinh thần như vậy, Karma - Nghiệp: Chỉ dẫn kiến tạo vận mệnh của một yogi sẽ vừa là một tài liệu tham khảo, vừa là một cẩm nang cung cấp cho độc giả những bí quyết sống một cách sáng suốt và yên vui trong thế giới nhiều thách thức này.

Trong quá trình đó, cuốn sách cố gắng khôi phục lại tiềm năng chuyển hóa nguyên bản của từ “Nghiệp”. Ngoài ra, cuốn sách còn giúp bạn tháo gỡ những hiểu lầm đang ngày càng lớn dần, đồng thời giúp bạn hiểu rõ toàn bộ sức mạnh ban sơ của nghiệp cũng như tác động cộng hưởng mãnh liệt của nó.

Ở một khía cạnh khác, trong tác phẩm Inner Engineering - Kiến tạo bản thân: Chỉ dẫn sống an vui của một yogi, Sadhguru gửi gắm một mệnh đề có tính chất đúc kết là: “Trừ khi chúng ta làm những việc đúng và cần thiết, không thì những điều đúng và cần thiết cũng sẽ không xảy đến với chúng ta”.

Hiểu một cách đơn giản là môi trường nội tâm của chúng ta là một mớ lộn xộn. Bằng cách nào đó, chúng ta cho rằng việc sửa chữa những điều kiện bên ngoài sẽ khiến mọi thứ bên trong tốt đẹp.

Theo tác giả sách, chặng đường 150 năm qua của nhân loại là bằng chứng sống động cho thấy rằng công nghệ sẽ chỉ mang lại cho chúng ta sự thoải mái và tiện nghi, chứ không mang lại hạnh phúc.

Chính vì vậy, mục đích của tác phẩm này là để biến niềm vui luôn thành người bạn đồng hành của bạn. Để làm được điều đó, cuốn sách này không mang đến cho bạn một bài thuyết giáo, mà là một môn khoa học; không phải một lời giáo huấn, mà là một công nghệ; không phải một giới luật, mà là một con đường. Và cũng theo tác giả sách, bây giờ chính là lúc để bắt đầu khám phá ngành khoa học đó, vận hành công nghệ đó, và bước đi trên con đường đó.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-ta-la-nguoi-tao-tac-van-menh-cho-chinh-minh-post1436657.html