Chung tay bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là điều kiện để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản. Do đó, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.
Mũi nhọn của ngành thủy sản
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khánh Hòa có lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó khai thác thủy sản là mũi nhọn của ngành thủy sản. Hiện nay, đội tàu cá của tỉnh có 3.418 chiếc, trong đó có 638 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác xa bờ; số còn lại hoạt động khai thác thủy sản ở vùng lộng và vùng ven bờ. Năm 2024, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 104.000 tấn, tăng 1,38% so với năm 2023, chiếm hơn 84,5% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh; ngành khai thác thủy sản đã có đóng góp lớn vào đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản của tỉnh, với kim ngạch xuất khẩu đạt 829 triệu USD, chiếm 40,57% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
![Công ty TNHH Một thành viên Yến sào Khánh Hòa thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên vịnh Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_435_51442537/65f5437f77319e6fc720.jpg)
Công ty TNHH Một thành viên Yến sào Khánh Hòa thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên vịnh Nha Trang.
Để phát triển bền vững mũi nhọn kinh tế này, những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Khánh Hòa là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; là 1 trong 11 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; việc tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được tỉnh triển khai hằng năm. Bên cạnh đó, nhờ thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên số vụ việc vi phạm liên quan đến khai thác thủy sản như: Khai thác sai vùng, sai tuyến; sử dụng nghề cấm… đã giảm nhiều.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản vẫn chưa nghiêm; tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển vẫn diễn ra. Trong đó, nạn sử dụng điện, ngư cụ cấm để khai thác theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản vẫn còn. Chẳng hạn trong năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 7 trường hợp sử dụng điện và hoạt động sai vùng trong khai thác thủy sản.
Để phát triển bền vững
Để bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật biển, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Với kế hoạch này, tỉnh đặt mục tiêu sớm hoàn thành điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản ở vùng ven bờ, vùng lộng, điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm trên địa bàn tỉnh; xây dựng các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản biển; hằng năm 100% huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên; có 3/5 địa phương ven biển thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái…
![Lực lượng chức năng tiêu hủy các dây điện mà đối tượng sử dụng để khai thác thủy sản bằng điện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_435_51442537/a62584afb0e159bf00f0.jpg)
Lực lượng chức năng tiêu hủy các dây điện mà đối tượng sử dụng để khai thác thủy sản bằng điện.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, việc điều tra nguồn lợi thủy sản một cách chính xác, khoa học để sắp xếp lại đội tàu khai thác phù hợp với từng vùng, từng địa phương được xác định là vấn đề cần làm ngay. Cùng với đó, phải thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Muốn vậy cần thực hiện tốt việc khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu bảo tồn, khu bảo vệ hệ sinh thái biển, thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản… Bên cạnh đó, ngành thủy sản tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi từ các nghề không thân thiện sang các nghề thân thiện; chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng, bởi đây là giải pháp quan trọng để giảm cường lực khai thác thủy sản nhưng vẫn đáp ứng được nguồn nguyên liệu để phục vụ các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; ngăn chặn và chấm dứt tình trạng sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm (nhất là sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc), khai thác thủy sản tại khu vực cấm, khai thác loài cấm… Bên cạnh đó, tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả; triển khai thực hiện “Năm tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản”…