Chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng
Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe… đã và đang được triển khai một cách sát sao, nhất là trong đợt cao điểm 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm'.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử vẫn cần được cải thiện và đẩy mạnh hơn nữa.
Báo Hànôịmới đã trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng.
- Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để quảng cáo, bày bán công khai sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là sữa, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả… Ông có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?
- Việc kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh buôn bán hàng hóa là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… qua không gian mạng trong những năm gần đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn trong công tác quản lý thị trường.
Những sản phẩm này thường được quảng cáo với lời mời chào hấp dẫn, giá rẻ, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc nhận diện và phân biệt sản phẩm thật/giả. Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm bán trôi nổi trên các trang mạng xã hội, các sản phẩm giả mạo còn được phân phối rộng rãi qua các sàn thương mại điện tử lớn.
- Trong quá trình đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, nhất là mặt hàng thuốc, sữa, thực phẩm... các lực lượng chức năng đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và thực phẩm ngành Công Thương quản lý vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định.
Trong đó, việc giám định chất lượng hàng hóa liên quan đến an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, cùng là phòng xét nghiệm an toàn thực phẩm nhưng hiện cả ba Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường có quyền chỉ định các phòng xét nghiệm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Hay cùng một lô hàng nhưng gửi đến các phòng kiểm nghiệm khác nhau cho kết quả khác nhau và thời gian kiểm nghiệm quá dài. Trong khi đó, một số mặt hàng thực phẩm như: Thịt, hải sản tươi sống, đông lạnh, rau, củ, trái cây… yêu cầu phải bảo quản ở điều kiện riêng. Trong khi cơ sở vật chất về kho, trang thiết bị bảo quản của các lực lượng thu giữ không bảo đảm, thậm chí một số đơn vị còn không có kho bảo quản.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng hóa chất bảo quản, chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng kháng sinh quá liều trong thực phẩm chế biến đã dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Trong khi năng lực kiểm nghiệm của các đơn vị chức năng còn hạn chế.
Hơn nữa, nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như người tiêu dùng về bảo đảm an toàn thực phẩm chưa đầy đủ. Việc xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm còn chưa kiên quyết. Trong đó, ở tuyến xã, hình thức xử phạt chủ yếu vẫn chỉ là cảnh cáo hoặc nhắc nhở. Thời gian trước đây, khi tiến hành kiểm tra và xử lý, một số chủ cơ sở có thái độ chống đối, không hợp tác, thậm chí bỏ kinh doanh. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa không bảo đảm điều kiện kinh doanh tại xã An Khánh. Ảnh: Đạt Lê
- Thủ đoạn chính của các đối tượng làm sữa giả, thực phẩm chức năng giả để qua mắt lực lượng chức năng là gì, thưa ông?
- Các đối tượng vi phạm đều là người có trình độ, hiểu biết pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm. Điển hình, lợi dụng quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cho phép ngay sau khi tự công bố sản phẩm thì tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Thực tế có một số sản phẩm không thuộc nhóm sản phẩm tự công bố nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tự ý đăng tải hồ sơ công bố (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học...).
Hoặc, doanh nghiệp công bố công dụng của sản phẩm, thành phần sản phẩm đối với sức khỏe con người vượt quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; lợi dụng việc tự công bố để đưa sản phẩm ra thị trường nhằm thu lợi nhanh trong thời gian ngắn sau đó giải thể công ty, hoặc làm đơn xin hủy hồ sơ, hoặc chỉ đăng ký doanh nghiệp tại Hà Nội nhưng toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện ở tỉnh, thành phố khác…
Đặc biệt với nhóm thực phẩm được tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp không cần xin giấy phép quảng cáo. Do vậy, khi tiến hành quảng cáo, doanh nghiệp đưa nhiều thông tin không đúng bản chất của sản phẩm hoặc thổi phồng công dụng thực tế của sản phẩm; thuê, mượn hình ảnh của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng, có ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội làm đại diện hình ảnh sản phẩm để thu hút số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí là hàng giả như vụ sữa Hiup.
Hồ sơ công bố sản phẩm yêu cầu phiếu kiểm nghiệm gồm các chỉ tiêu an toàn không bắt buộc phải có chỉ tiêu dinh dưỡng nên cơ quan quản lý không có cơ sở để đánh giá chất lượng sản phẩm khi doanh nghiệp công bố, tự công bố sản phẩm…
- Trước thực trạng các đối tượng làm hàng giả ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai những giải pháp gì?
- Chi cục Quản lý thị trường đã triển khai đồng bộ và thường xuyên các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, phân phối như chợ, cửa hàng, siêu thị, đặc biệt là các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với công an, hải quan và các cơ quan liên quan để phát hiện và xử lý nhanh chóng các vụ việc; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về nguy cơ hàng giả, yêu cầu tuân thủ quy định về chất lượng và xuất xứ.
Đồng thời, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử lý nghiêm như thu giữ, tiêu hủy hàng hóa vi phạm và xử lý hành chính, hình sự đối với các đối tượng vi phạm.
- Trân trọng cảm ơn ông!