Chung tay giúp những người lầm lỗi sớm tái hòa nhập, trở lại cuộc sống đời thường

Từ một người từng lầm lỗi, người đàn ông quê Hưng Yên nay trở thành ông chủ quán phở đêm đắt khách. Đó là tấm gương điển hình để Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhân rộng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh tương tự sớm trở về với cộng đồng, xã hội.

Giúp đỡ từ sự quan tâm, sẻ chia

Tối tối, quán phở gà đêm của anh Lê Văn Thảo (SN 1978, quê Hưng Yên) tại số 215 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại đông khách. Thực khách đến đây một lần rồi quay lại thành quen, người này giới thiệu cho người khác. Người ta đến, một phần vì gia đình anh Thảo phục vụ ăn đêm muộn, phần vì sự niềm nở, nhiệt tình của ông chủ. Tay thoăn thoắt làm, miệng nói cười rôm rả khiến quán ăn đêm lúc nào cũng nhộn nhịp.

Từ một người từng lầm lỗi, giờ đây, anh Thảo đã trở thành ông chủ một quán phở đêm đắt khách

Từ một người từng lầm lỗi, giờ đây, anh Thảo đã trở thành ông chủ một quán phở đêm đắt khách

Ít ai biết, người đàn ông đứng ở quầy kia từng có một thời lầm lỗi. Sau khi ra tù, trở về với gia đình, ban đầu, anh cũng mặc cảm. “Mình cũng ngại tiếp xúc với mọi người, họ có biết gì đâu, cứ nghe thấy tù tội thì tự nhiên trở nên xa lánh nên lâu dần cũng tự ti chứ trước đó là cũng nhiều dự định lắm…” - anh Thảo tâm sự.

Thế rồi, dự định ấp ủ bao lâu cứ nhen nhóm, cuối cùng, anh và gia đình quyết định mở quán phở tại 215 Phúc Tân. Anh Thảo nói, “giờ cứ thu mình mãi làm sao được, phải lo cho gia đình, vợ con chứ. Tôi còn sức khỏe, với lại các cụ nói rồi “đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, tôi cứ có niềm tin rồi mình sẽ làm được”.

Quán đông khách, thu nhập ổn định đã trở thành niềm vui của anh Lê Văn Thảo

Quán đông khách, thu nhập ổn định đã trở thành niềm vui của anh Lê Văn Thảo

Quê ở Hưng Yên, nhưng anh Thảo lại bắt đầu cuộc sống mới ở Hà Nội. Khi biết anh là người ngoại tỉnh, lại từng lầm lỗi nên Công an phường Phúc Tân cũng quan tâm, động viên nhiều, đặc biệt là cán bộ Cảnh sát khu vực thường xuyên qua lại chuyện trò, giúp anh cảm thấy bản thân không bị xa rời với cuộc sống đời thường, dần dần, anh cởi mở, vui vẻ và chan hòa chứ không ít nói như thời gian đầu mở quán.

Công an phường Phúc Tân cũng thường xuyên quan tâm, động viên anh Thảo và gia đình cố gắng xây dựng, phát triển kinh tế

Công an phường Phúc Tân cũng thường xuyên quan tâm, động viên anh Thảo và gia đình cố gắng xây dựng, phát triển kinh tế

“Ngoài danh sách các trường hợp tù tha có hộ khẩu trên địa bàn, thì với những trường hợp ngoại tỉnh về sinh sống, làm việc, buôn bán trên địa bàn chúng tôi đều dành sự quan tâm. Mục đích không chỉ là phòng ngừa, đảm bảo ANTT địa bàn, mà còn cảm hóa, giáo dục, chia sẻ, để họ cảm nhận được niềm vui khi trở lại với cộng đồng, qua đó nỗ lực vươn lên…” - Thiếu tá Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng Công an phường Phúc Tân cho biết.

Theo số liệu điều tra cơ bản, trung bình 1 năm, phường Phúc Tân nhận về khoảng 12 người được đặc xá, tha tù về với địa phương. Cho đến nay, số người tái hòa nhập cộng đồng của phường là 287 trường hợp - một trong hai phường có số người trong diện quản lý, giáo dục cao nhất tại quận Hoàn Kiếm.

Do vậy, trong những năm qua, Công an phường đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền phường xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung của công tác tái hòa nhập cộng đồng. Quy định công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người đặc xá và tha tù về địa phương.

Chủ yếu tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng tại Công an phường là chỉ huy phụ trách về công tác Quản lý hành chính về TTXH và lực lượng Cảnh sát khu vực được phân công trực tiếp giám sát, quản lý, giáo dục tại khu dân cư.

“Vấn đề quan trọng của sự thành công trong công tác tái hòa nhập cộng đồng là việc làm để ổn định cuộc sống. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền và Công an phường đã liên kết với nhiều cơ sở kinh doanh, đào tạo dạy nghề để hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi trở về, sớm có công việc, từ đó nhanh chóng quay trở lại cuộc sống đời thường, giúp đỡ kinh tế cho bản thân, gia đình, qua đó thôi thúc họ xây dựng, phát triển bản thân, quên đi quá khứ” - Thiếu tá Nguyễn Văn Thùy nói thêm.

Tạo cơ hội, nguồn lực giúp đỡ người từng lầm lỗi

Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp - Công an quận Hoàn Kiếm, công tác tái hòa nhập cộng đồng không chỉ là động viên, chia sẻ để những người chấp hành xong án phạt tù trở về không cảm thấy mặc cảm, mà còn phải tạo cơ hội về việc làm cho họ, có ổn định thì mới khó tái phạm.

Địa bàn quận Hoàn Kiếm chật hẹp, dân cư đông nên số lượng người không có việc làm cao, trong đó người chấp hành xong bản án về địa phương khó có việc làm ổn định, hoặc nếu có, cũng mới chỉ giải quyết được việc làm cho một số ít người cần tái hòa nhập cộng đồng.

“Sau điều tra cơ bản, xác định số đối tượng trong diện cần tái hòa nhập cộng đồng, trước tiên, chúng tôi phối hợp với Công an các phường tiếp nhận, giúp đỡ, giáo dục về pháp luật, sau là tham mưu cho UBND quận chỉ đạo UBND các phường phân công cán bộ cơ sở gặp gỡ, động viên, khích lệ những người có ý thức chấp hành pháp luật, đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phát huy tích cực và tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn ANTT ở địa phương” - Đại úy Lê Ngọc Linh, Đội phó Đội Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, Công an quận Hoàn Kiếm thông tin.

Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức treo pano, áp phích tuyên truyền, kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ người cần tái hòa nhập cộng đồng

Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức treo pano, áp phích tuyên truyền, kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ người cần tái hòa nhập cộng đồng

Ngoài ra, lực lượng Công an đóng vai trò chủ chốt, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tư vấn, tạo điều kiện giúp đỡ những người còn gặp khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng, không có việc làm, việc làm tạm bợ, không ổn định, qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cùng với gia đình để tìm kiếm việc làm, giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại, tránh các tác động tiêu cực của môi trường sống.

“Thực tế, trong công tác tìm kiếm cơ hội việc làm cho người cần tái hòa nhập cộng đồng cũng không phải dễ dàng gì. Nhiều người đã quá độ tuổi lao động, hoặc trình độ năng lực, học vấn thấp cũng là một vấn đề, trong khi nhiều công việc hiện tại lại đòi hỏi phải có tay nghề mới đáp ứng được.

Một vấn đề nữa là làm sao để doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chấp nhận những người đã từng lầm lỗi cũng rất quan trọng vì không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng tiếp nhận. Vì lẽ đó, công tác quản lý, giám sát và cảm hóa luôn được chúng tôi chú trọng, đồng thời cũng là để kịp thời phát hiện các biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp” - Trung tá Phạm Hải Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp nhấn mạnh.

Hy vọng với sự chung tay của cả cộng đồng, tình hình ANTT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày càng được củng cố, giữ vững

Hy vọng với sự chung tay của cả cộng đồng, tình hình ANTT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày càng được củng cố, giữ vững

Ngày 10-11-2023, Công an quận Hoàn Kiếm cũng đã triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, Công an quận phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và UBND các phường tổ chức khảo sát nhu cầu vay vốn, hỗ trợ tạo việc làm đối với người chấp hành xong án phạt tù từ nguồn ngân sách địa phương; Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện và đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Chỉ đạo, đôn đốc Công an các phường định kỳ thành lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giúp đỡ…

“Chúng tôi đã tham mưu UBND quận phân công các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ với 660 đối tượng trong diện cần thiết tổ chức công tác tái hòa nhập cộng đồng. CAQ mong nhận được sự ủng hộ, chung tay của các ban, ngành đoàn thể địa phương và đặc biệt là gia đình, bản thân người trong diện tái hòa nhập cộng đồng và chỉ cần mỗi người có niềm tin, cố gắng, nỗ lực hết sức, sẽ không khó để trở lại với cuộc sống đời thường như bao công dân khác…” - Trung tá Phạm Hải Minh nhìn nhận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chung-tay-giup-nhung-nguoi-lam-loi-som-tai-hoa-nhap-tro-lai-cuoc-song-doi-thuong-post565373.antd