Chung tay hỗ trợ để thoát nghèo bền vững
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, tại huyện Khánh Vĩnh, các nhóm được phân công giúp đỡ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi của tỉnh đã thay đổi phương pháp tiếp cận, hỗ trợ bằng cách trao sinh kế, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ đó, nhiều gia đình đã biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình ông Cao Văn Lý (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) tuy đã thoát nghèo nhưng kinh tế vẫn còn khó khăn. Do đó, để tạo sinh kế, giúp gia đình ông thoát nghèo bền vững, đầu năm 2024, nhóm các đơn vị giúp đỡ xã Khánh Nam do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng nhóm đã hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt nên con bò của gia đình ông phát triển khỏe mạnh. Ông Lý chia sẻ: “Đây là tài sản có giá trị của gia đình, mỗi ngày nhìn nó lớn khỏe mạnh, tôi vui lắm, chỉ biết cảm ơn sự hỗ trợ của các đơn vị. Từ khi có con bò, gia đình tôi như được tiếp thêm động lực. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi ngày, gia đình tôi đều chăm chỉ làm rẫy và tranh thủ đi làm thuê để có thêm thu nhập. Hy vọng, con bò này sẽ sớm sinh sản để kinh tế của gia đình ổn định hơn”. Được biết, đầu năm 2024, nhóm đỡ đầu cho xã Khánh Nam đã đóng góp hơn 155 triệu đồng hỗ trợ 10 con bò giống sinh sản cho các hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Ông Cao Văn Lý chăm sóc bò.
Từng thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng nhờ được nhóm giúp đỡ xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh) do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng nhóm hỗ trợ sinh kế, gia đình ông Mấu Văn Đức (thôn Nước Nhĩ) không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên có cuộc sống ổn định. Năm 2017, gia đình ông Đức được nhóm hỗ trợ 300 cây bưởi da xanh và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau hơn 3 năm, vườn bưởi của gia đình ông bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên và đến nay đã cho thu nhập ổn định. Trên cơ sở đó, gia đình ông tiếp tục đầu tư trồng xen kẽ các loại cây trồng khác và chăn nuôi thêm. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi. Từ năm 2015 đến nay, nhóm giúp đỡ xã Khánh Phú phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ phân bón, cây giống, đào hố trồng hơn 3.000 cây mít nghệ, 6,1ha bưởi da xanh trị giá hơn 350 triệu đồng; hỗ trợ 15 con bò giống, gà, vịt, với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng… cho hộ nghèo, cận nghèo.
Đại diện nhóm giúp đỡ xã Khánh Phú do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng nhóm trao bò cho một hộ gia đình. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Tại xã Khánh Thượng, năm 2024, nhóm giúp đỡ xã do Sở Tài chính làm trưởng nhóm đã quyên góp, trao hỗ trợ 12 con bò giống sinh sản cho 12 hộ dân. Trước đó, từ năm 2019 đến 2023, nhóm đã hỗ trợ 48 con bò giống sinh sản cho 48 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, 1.000 cây sầu riêng giống cho 10 hộ để giúp các hộ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trên đây chỉ là kết quả của 3 trong số 14 nhóm với 75 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 14 xã, thị trấn ở huyện Khánh Vĩnh theo Quyết định số 2654 của UBND tỉnh về việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, những năm gần đây, nhóm giúp đỡ các xã vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh đã thay đổi phương pháp tiếp cận, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng cách tặng sinh kế, xây nhà tình nghĩa đã mang lại hiệu quả tích cực. Một số hộ dân từ chỗ chỉ trông chờ vào rẫy mì, nương bắp thu hoạch cả vụ chỉ vài triệu đồng thì hiện nay nhờ được các nhóm hỗ trợ đã có những vườn bưởi, đàn bò và nhà cửa ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, góp phần quan trọng giúp địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Từ chỗ huyện có 4.211 hộ nghèo và 1.561 hộ cận nghèo năm 2023, đến nay giảm còn 2.785 hộ nghèo, 1.443 hộ cận nghèo. “Tuy số hộ nghèo so với năm ngoái đã giảm đáng kể nhưng thực tế đời sống ĐBDTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, địa phương mong muốn, ngoài tặng quà trong các dịp lễ, Tết, các nhóm giúp đỡ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn về phương tiện sinh kế, giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thoát khỏi huyện nghèo trong năm 2025” - bà Mến nói.