Chung tay lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam
Chiều 18/4, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Văn nghệ chào mừng hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh giá: Trong suốt quá trình hoạt động, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã trở thành nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Từ khi triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các địa phương trên cả nước, hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam từng bước ổn định.
Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành điểm đến thân thuộc, được đồng bào các dân tộc, du khách trong và ngoài nước yêu quý. Sự hiện diện thường xuyên, sống động của nhóm đồng bào các dân tộc đến từ các địa phương… mang theo phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, nghi lễ đặc trưng của cộng đồng các dân tộc... góp phần tạo nên một không gian văn hóa phong phú, đặc sắc trên khắp các nếp nhà, bản, buôn làng tại Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc.
Đặc biệt, phương châm “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” được thực hiện xuyên suốt trong các sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn như: Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc", Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần "Đại đoàn kết - Di sản Văn hóa Việt Nam"... Hay những chương trình điểm nhấn, các hoạt động hàng ngày như lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian... Những hoạt động này đã "thổi hồn" vào từng nếp nhà ở "Ngôi nhà chung" Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Quan trọng hơn, các hoạt động đã đưa giá trị văn hóa của các dân tộc đến gần hơn với nhân dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, hội nghị là dịp tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua và những bài học kinh nghiệm rút ra… Từ đó xác định những giải pháp để tiếp tục triển khai công tác phối hợp hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại trình bày tham luận.
Các ý kiến tham luận, phát biểu từ địa phương, các nghệ nhân, đại diện các cộng đồng đang hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa... sẽ giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thêm căn cứ tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách, đổi mới phương thức phối hợp, để công tác huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thực chất hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương cùng xác lập định hướng phát triển lâu dài, gắn bó, bền vững hơn, cùng rà soát quy chế phối hợp hiện hành, đề xuất phương thức, cách thức hoạt động hiệu quả trong thời gian tới. Với tầm nhìn lâu dài, hiệu quả, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi giới thiệu một cách sinh động nhất về hình ảnh đất nước, con người, giá trị di sản văn hóa với du khách trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Y Sinh-đại diện 16 cộng đồng dân tộc tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ ý kiến.
Tại hội nghị, đại diện sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, Hà Giang... đã đề xuất các ý kiến, giải pháp để công tác phối hợp giữa Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam và các địa phương thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.