Chung tay ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em

Thống kê các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Điều đáng nói là, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp. Thực trạng đáng lo ngại này đã được Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam chia sẻ khi đề cập đến thực trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại thời gian qua.

Bạo lực trẻ em tăng mạnh

Thời gian qua, công tác trẻ em luôn được Đảng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm. Chỉ tính trong 2 năm gần đây, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật, ban hành 12 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 15 quyết định, 1 công điện liên quan đến quyền trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Nhờ đó, công tác trẻ em đã có những kết quả tích cực.

Chung tay bảo vệ trẻ em. Nguồn: INT

Chung tay bảo vệ trẻ em. Nguồn: INT

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn là một trong những vấn đề gây bức xúc xã hội thời gian qua. Nhận định về tình trạng này, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình.

Báo cáo qua các cuộc gọi đến Tổng đại điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong 19 năm qua, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em.

Trong số 9.601 ca hỗ trợ, can thiệp thì có có 4.194 ca bạo lực trẻ em, chiếm 43,68%; 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 25,75%; 748 ca về trẻ em bị bóc lột, chiếm 7,79%; 267 ca trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc, sao nhãng; 232 ca trẻ em bị mua bán; 239 ca vi phạm quyền trẻ em, 169 ca tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, 154 ca hỗ trợ tài chính cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 33 ca bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 1.084 ca về các vấn đề khác như: Tai nạn thương tích, trẻ em bị lạc, khó khăn liên quan đến nhà trường, khó khăn liên quan đến chính sách pháp luật...

Tuy nhiên các ca tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em và tư vấn liên quan đến pháp luật tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính từ năm 2020 đến nay tỉ lệ các cuộc gọi tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực chiếm 51,3% trong tổng số ca tư vấn chuyên sâu ở Tổng đài; cuộc gọi tư vấn về pháp luật chiếm 27,9%; các cuộc gọi tư vấn về ứng xử giảm chỉ còn 13,7%; các cuộc gọi về sức khỏe thể chất chiếm 3%; các cuộc gọi tư vấn về tâm lý chiếm 2,8%, trong khi đó, các cuộc gọi tư vấn về sức khỏe sinh sản chỉ chiếm 1,3%.

Liên quan đến bạo lực trẻ em, một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay cũng được các chuyên gia chỉ ra, đó là cùng với sự phát triển của môi trường số thì nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng cao, diễn ra ở mọi khu vực, từ đô thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo… Theo ông Đặng Hoa Nam, nguyên nhân một phần do thông tin cá nhân của trẻ bị rò rỉ, phát tán trên mạng, đôi khi đến từ chính bố mẹ, người chăm sóc trẻ khi đăng ảnh, thông tin của trẻ lên mạng xã hội, diễn đàn… một cách vô tư, không kiểm soát mà không ngờ tới những tác động ảnh hưởng đến trẻ trong tương lai.

Đồng quan điểm này, bà Đinh Thị Như Hoa - Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội, forum, diễn dàn... cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em.

Cha mẹ là người dạy kỹ năng và bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại

Trẻ em bị xâm hại đã để lại hậu quả khôn lường. Có không ít trường hợp trẻ bị xâm hại bởi chính sự dạy dỗ không đúng cách của cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ, cho rằng, “thương cho roi, cho vọt”. Điều đáng nói là, không ít trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân, quen trong gia đình. Điều này đã để lại cho các em một nỗi đau không chỉ ở thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em. Thậm chí, không ít trẻ đã bị mặc cảm, tự ti phát triển không bình thường, gặp cản trở và khó khăn trong giao tiếp cộng đồng sau khi bị xâm hại.

Không chỉ bị xâm hại bởi tác động vật lý mà người thân gây ra trong quá trình nuôi dưỡng, dạy dỗ các em, hiện nay trẻ em còn đối diện với nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. Theo báo cáo của UNICEF năm 2022, 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng. Trẻ em thường vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm ở quảng cáo trên mạng (58%) và mạng xã hội (46%).

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Như Hoa cho rằng, nguy cơ trẻ em vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng xã hội là rất cao. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, chính cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải chủ động bảo vệ con em mình trên môi trường mạng. Phụ huynh cần chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường internet; cũng như hướng dẫn con khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, đồng thời hạn chế con em tiếp xúc với thông tin xấu độc trên mạng. Có như vậy, mởi bảo vệ được trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Trong công tác bảo vệ trẻ em rất cần sự chung tay của tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, bên cạnh Nhà nước, tổ chức, xã hội, nhà trường, thì việc bảo vệ trẻ em trước tiên phải thuộc trách nhiệm của bố mẹ, gia đình - người nuôi dưỡng trực tiếp các em. Hãy bảo vệ trẻ em bằng chính sự quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ đúng cách bởi sự yêu thương, chứ không phải là “cho roi, cho vọt”.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/chung-tay-ngan-chan-tinh-trang-xam-hai-tre-em-i329987/