Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại còn rất nặng nề, gây ra nỗi đau dai dẳng về thể chất, tinh thần của nhiều thế hệ nạn nhân.

Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân tặng quà cho thân nhân, người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, xứng đáng là tổ chức đại diện pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc da cam của tỉnh.

Nỗi đau còn đó

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam cách đây hơn 60 năm, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó có chất độc da cam chứa 366kg dioxin xuống đất nước Việt Nam. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người; làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu.

Phú Yên là một trong những tỉnh hứng chịu nỗi đau da cam với hơn 12.000 người phơi nhiễm. Trong đó, 3.887 người tham gia kháng chiến và 423 người là con, cháu của họ bị phơi nhiễm; 8.138 người dân các thế hệ bị nhiễm, phơi nhiễm. 436 gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên và hơn 800 cháu là thế hệ thứ 3, thứ 4 trong gia đình có người bị nhiễm…

Để góp phần vơi bớt khó khăn cho những nạn nhân này, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam đã tích cực vận động các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cộng đồng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tặng học bổng; cho vay vốn, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động; khám, chữa bệnh; sửa chữa, xây nhà mới…

Ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Chủ tịch HĐND TP Tuy Hòa trao quà cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: KIM CHI

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Tuy Hòa cho biết: TP Tuy Hòa có khoảng 2.000 người nhiễm, phơi nhiễm chất độc da cam. Họ đang sống trong sự nghèo khó, đau ốm triền miên, nhiều người lâm vào cảnh kiệt quệ. Để giảm bớt khó khăn cho họ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Tuy Hòa đã tích cực vận động các nhà hảo tâm gần xa chung tay hỗ trợ.

Mới đây, khi đến thăm, tặng quà em Nguyễn Thành Tâm (16 tuổi, ở phường 9, TP Tuy Hòa), ai cũng nghẹn ngào, xúc động. Từ lúc sinh ra, Tâm đã bị bại não, mù bẩm sinh. Biết con trai mình phơi nhiễm chất độc da cam, mẹ em đã lặng lẽ bỏ đi, để em lại với người dì. Cuộc sống cơ cực nhưng cả gia đình cùng cố gắng để em vượt qua nỗi đau, sống khỏe được ngày nào hay ngày đó.

Chị Trương Thị Diễm (thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) sinh 3 đứa con, cả ba đều tật nguyền bởi ảnh hưởng chất độc da cam. Nhà nghèo, bữa đói bữa no, nhưng chị Diễm vẫn cố gắng chăm sóc các con với hy vọng sẽ có một phép màu nào đó. Chị Diễm ứa nước mắt nói: “Thấy hai đứa con gái đầu tật nguyền, vợ chồng tôi quyết định sinh đứa thứ ba, với hy vọng con sẽ khỏe mạnh, lành lặn để sau này còn đỡ đần cho hai người chị bệnh tật. Nào ngờ…”. Vợ chồng chị Diễm không nghĩ sự nghiệt ngã của số phận lại tiếp tục đổ ập xuống cuộc đời họ, khi bé Đỗ Hiệp Hòa sinh ra lại tiếp tục mắc chứng vẹo cột sống bẩm sinh như hai người chị Đỗ Trần Nhân, Đỗ Thu Đông.

Dẫu còn rất nhiều nghịch cảnh, khó khăn, nhưng theo ông Trần Văn Thái, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên, vẫn có những tấm gương vươn lên trong cuộc sống, như cựu chiến binh Bùi Thị Duyên ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa. Là thương binh, nhiễm chất độc da cam nhưng bà luôn có tinh thần lạc quan, vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

“Đời sống vật chất, tinh thần của họ còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Nhiều nạn nhân không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu nhập. Đa số hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo, trong khi mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh rất lớn”, ông Trần Văn Thái cho biết.

Anh Y Thanh, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam huyện Sơn Hòa nhận quà từ nhà hảo tâm. Ảnh: KIM CHI

Tập trung nguồn lực

Nỗi đau từ thảm họa da cam vẫn còn dai dẳng và nhức nhối. Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam. Đảng, Nhà nước ta đã dành hàng chục nghìn tỉ đồng để hỗ trợ, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ bị di chứng chất độc da cam.

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên đã có nhiều hoạt động tích cực giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Các cấp hội cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả; tích cực mở rộng đối tượng, phạm vi vận động và hỗ trợ nguồn lực… “Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội đã vận động được hơn 1,6 tỉ đồng giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân làm nhà, tạo sinh kế, nuôi dưỡng nạn nhân… Riêng trong Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam, tỉnh hội đã phối hợp các công ty, đơn vị tặng 400 suất quà cho các nạn nhân, thân nhân người bị nhiễm chất độc da cam ở các địa phương”, ông Trần Văn Thái cho biết.

Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, người khổ nhất trong những người đau khổ. Sau đại dịch COVID-19, công tác vận động nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh; sự hướng dẫn giúp đỡ của Trung ương hội và sự đồng hành, thấu hiểu, sẻ chia của các sở, ban ngành, hội đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm…, toàn tỉnh đã quyên góp được gần 2 tỉ đồng giúp đỡ, tạo điều kiện để nạn nhân da cam vươn lên, vơi đi mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

“Những hoạt động trên thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam. Đây vừa là hành động của lương tri, vừa thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta”, ông Thái khẳng định.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/306819/chung-tay-xoa-diu-noi-dau-da-cam.html