Trình Quốc hội tăng lương cơ sở, nghiên cứu chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang

Chiều 25-6, Quốc hội đã nghe báo cáo, thẩm tra, sau đó, thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho biết, trong quá trình triển khai, xây dựng sáu nội dung cụ thể về cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27, nhất là việc xây dựng các bảng lương mới cùng các chế độ phụ cấp, Chính phủ nhận thấy phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập.

Chiều 25-6, Quốc hội đã nghe báo cáo, thẩm tra, sau đó, thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho biết, trong quá trình triển khai, xây dựng sáu nội dung cụ thể về cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27, nhất là việc xây dựng các bảng lương mới cùng các chế độ phụ cấp, Chính phủ nhận thấy phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp.

Những nội dung này gồm xây dựng bảng lương mới; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp; xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực. “Sau khi báo cáo, ngày 21-6 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 83 thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội triển khai thực hiện” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Cụ thể, việc tăng lương ở khu vực doanh nghiệp được thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết 27 với hai nội dung, gồm điều chỉnh tăng 6% mức lương tối thiểu vùng, song song đó là, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước để áp dụng từ ngày 1-1-2025.

Đối với khu vực công, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ, sẽ thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện; 2/6 nội dung chưa thực hiện là các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại và sắp xếp thành chín chế độ phụ cấp mới. Chính phủ đề xuất, trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1-7-2024, với ba nội dung.

Theo đó, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý. Thứ ba là, bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Liên quan đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Riêng với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng; trường hợp có mức hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%). Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%)...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay cơ quan này thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và các nội dung khác theo báo cáo của Chính phủ.

Q.H

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/trinh-quoc-hoi-tang-luong-co-so-nghien-cuu-che-do-dac-thu-cua-luc-luong-vu-trang-post297111.html