'Chúng tớ ăn mất trăng rồi!'
Bạn đã bao giờ tò mò xem trăng có vị gì chưa? Tôi thì rồi. Tôi từng nghĩ vị trăng rằm hẳn sẽ mằn mặn phải biết, giống trứng muối trong bánh trung thu.
Đọc sách Ehon Chúng tớ ăn mất trăng rồi của tác giả Mami Suzuki do Mọt sách Mogu phát hành tôi mới biết cũng có người đặt ra câu hỏi giống mình. Mà đúng hơn, hẳn vô số trẻ con trên khắp thế giới này đều đã từng hỏi vị của trăng thế nào. Như câu trả lời hóm hỉnh, cuốn Ehon đã cho tôi và nhiều đứa trẻ đáp án xem chừng cũng rất hợp lý: Trăng thực ra… có vị chuối.
Nhìn trăng khuyết mà xem, trăng chẳng khác nào quả chuối khổng lồ. Nếu quả chuối ấy rơi cái bịch xuống trái đất thì chúng ta phải làm gì? Câu trả lời quá đơn giản: cùng nhau chén mặt trăng thôi! Trong cuốn truyện, chúng ta sẽ theo chân muông thú trong khu rừng mở tiệc chuối linh đình đến no căng bụng. Ông Chuột Chũi trong chuyện đã phải thốt lên: “Ông sống đến tuổi này rồi nhưng chưa bao giờ được ăn quả chuối nào ngon như vậy”.
Tất nhiên rồi, vì chúng ta là những động vật bé nhỏ hay nhìn lên bầu trời rộng lớn. Những thứ đến từ bầu trời thường thần kì, vì chúng ta không biết và đã luôn thầm ngưỡng mộ sự kì bí của chúng bấy lâu. Đơn giản lắm, nếu mặt trăng mà văn chương hay ngợi ca chỉ là một trái chuối khổng lồ thì chúng ta cũng sẽ thấy nó ngon hơn hẳn những quả chuối thường.
Khi cả khu rừng đã được đánh chén mặt trăng thỏa thích, tất cả chợt nhớ ra điều hệ trọng. Nếu ăn mất mặt trăng rồi thì sẽ ra sao? Thì bầu trời sẽ chẳng còn trăng nữa, mà không có trăng nghĩa là sẽ chẳng còn ai ngắm trăng, không ai thèm làm bánh dango, đồng nghĩa với việc không còn được ăn bánh dango nữa. Quả là vấn đề siêu to khổng lồ.
Vậy là tất cả muôn loài bèn hì hục tìm cách sửa, trả mặt trăng về bầu trời. Chúng khâu lại vỏ quả chuối, thổi hơi đầy vào bên trong và thả cái “pưng” để “quả chuối - mặt trăng” bay lơ lửng trở lại bầu trời. Mọi chuyện lại ổn thỏa, tất cả vừa được ăn chuối vừa biết vị của mặt trăng và còn tiếp tục được ăn bánh dango như thường. Đêm dần qua, ngày mới đến, thay thế mặt trăng là mặt trời – một quả cà chua chín mọng đang từ từ nhô lên từ phía chân trời.
Câu chuyện dễ thương như vậy đó, như cái cách trẻ nhỏ nghĩ về thế giới, về cách sửa sai. Thế giới là chốn mà mọi thứ đều mới mẻ, thú vị, ngon lành. Mặt trăng là trái chuối, mặt trời là quả cà chua, muôn loài là bạn bè. Tôi nghĩ trẻ nhỏ vui vẻ hơn người lớn vì chúng yêu thích mọi thứ xung quanh mình, vì chúng sống trong thế giới mà mọi vấn đề lớn nhỏ đều có phương án sửa chữa, bằng cách này hay cách khác. Nếu chẳng may mặt trăng bị ăn mất, mặt trăng vẫn sẽ trở lại bầu trời, dù không còn như cũ nhưng đã có chuyến đi lạ kì ghé thăm mặt đất.
Thế giới trong Ehon là vậy, là những thế giới mà mọi điều hoang đường ngộ nghĩnh nhất đều có thể xảy ra. Đôi khi, trẻ nhỏ không cần những chuyến du lịch xa xôi mà cần những cuốn sách có khả năng mở ra các hành trình đi vào thế giới tưởng tượng vô hạn.
Tôi cho rằng, con người ấy mà, tạo dựng thế giới thực này nhờ chính những tưởng tượng và hy vọng về nơi chốn tốt đẹp hơn. Trẻ con cần tưởng tượng để lớn lên xây thế giới của riêng mình, còn người lớn, cần tưởng tượng để sửa chữa và không từ bỏ thế giới.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chung-to-an-mat-trang-roi-2055331.html