Chuỗi hoạt động kỷ niệm 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang

Lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, giúp người dân và khách du lịch kết nối với lịch sử và di sản ngàn năm của Hà Nội.

Lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2023) do quận Hoàn Kiếm tổ chức, sẽ diễn ra vào tối 2/6 tại khu vực tượng đài vua Lê Thái Tổ để tưởng nhớ, tri ân người Anh hùng dân tộc.

Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều nghi thức tâm linh, hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, tối 2/6 sẽ diễn ra nghi thức dâng hương, khai mạc lễ hội, sân khấu hóa tái hiện Vua Lê Thái Tổ đăng quang.

Các ngày 3-4/6 sẽ diễn ra lễ rước kiệu truyền thống xung quanh hồ Hoàn Kiếm, triển lãm tranh dân gian Hàng Trống, triển lãm ảnh về vẻ đẹp hồ Hoàn Kiếm, biểu diễn thư pháp… Ngoài ra còn có các hoạt động: Biểu diễn cờ người, biểu diễn võ thuật… tại các khu vực khác nhau quanh hồ Hoàn Kiếm.

Lễ hội kỷ niệm ngày đăng quang của vua Lê Thái Tổ được UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức 5 năm một lần kể từ năm 2008 nhằm tưởng nhiệm công lao to lớn của Đức vua Lê Thái Tổ với Thủ đô và Đất nước, qua đó khơi dậy, giáo dục truyền thống quý báu “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc.

Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới.

Tái hiện hình ảnh vua Lê đăng quang tại lễ kỷ niệm 590 năm

Tái hiện hình ảnh vua Lê đăng quang tại lễ kỷ niệm 590 năm

Mùa Xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với các nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, dấy binh chống quân Minh ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Ông tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nước kêu gọi dân chúng hưởng ứng cùng theo ông đánh giặc cứu nước.

Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, lại được nhiều tướng tài giúp, Lê Lợi mở rộng vùng kiểm soát và đánh chiếm liên tiếp các đồn giặc, lấy lại được thế trận. Năm 1426, ông tiến tới cho quân bao vây thành Đông Quan, một mặt cho quân bố trí trận địa diệt viện binh giặc từ phương Bắc xuống và thắng lớn ở Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, chém tướng giặc là Liễu Thăng, Lý Khánh, diệt hàng chục vạn địch, thu toàn bộ vũ khí, quân lương.

Thành Đông Quan bị cô lập, Lê Lợi dời đại bản doanh từ Đông Phù Liệt về bên kia sông Cái, lập doanh trại Bộ Đề để chỉ đạo việc bao vây, kêu gọi đầu hàng. Ngày 3 tháng Giêng năm Mậu Thân (1428), quân Minh cuối cùng rời khỏi ải Bắc. Đông Quan tưng bừng trở lại là Đông Đô với niềm vui giải phóng.

Ngày 15/4/1428, Lê Lợi làm lễ đăng quang chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên, xưng là Thuận thiên thừa vận Duệ Văn Anh Đại Vũ Vương, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, ban bố bài Cáo Bình Ngô, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuoi-hoat-dong-ky-niem-595-nam-vua-le-thai-to-dang-quang-post541443.antd