Chuỗi sự kiện 'Như trăng trong đêm' bàn về điện ảnh Việt Nam

Chuỗi sự kiện 'Như trăng trong đêm' năm 2025 năm nay lấy chủ đề 'Điện ảnh Việt Nam qua một góc nhìn'.

“Như trăng trong đêm” 2025 do Trung tâm TPD tổ chức với sự hỗ trợ và đồng hành từ Viện Phim Việt Nam; Viện Pháp tại Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; chương trình Connections Through Culture của Hội đồng Anh.

Đây là một chương trình thường niên về điện ảnh Việt Nam liên thời kỳ, lần đầu tiên được tổ chức năm 2020, lần thứ hai năm 2021 và lần thứ ba năm 2022.

Tên chương trình “Như trăng trong đêm” lấy ý tưởng từ câu nói của đạo diễn Đài Loan nổi tiếng Thái Minh Lượng: “Phim như trăng trong đêm. Trăng trông như một với mọi người, nhưng cảm xúc gợi ra với mỗi người lại khác nhau”.

Chuỗi sự kiện "Như trăng trong đêm" năm nay lấy chủ đề "Điện ảnh Việt Nam qua một góc nhìn", diễn ra từ 17 đến 27/4 tại Hà Nội.

 Bộ phim “Hy vọng cuối cùng” sẽ được công chiếu trong chuỗi sự kiện "Như trăng trong đêm" năm 2025. Ảnh: BTC

Bộ phim “Hy vọng cuối cùng” sẽ được công chiếu trong chuỗi sự kiện "Như trăng trong đêm" năm 2025. Ảnh: BTC

Theo Ban tổ chức, “Như trăng trong đêm” 2025 là tiếng vọng và phản chiếu từ những kỳ chương trình đã diễn ra, hướng vào một số vận động điện ảnh những thập niên 1990 và 2000.

Các đạo diễn Việt Nam có phim trong chuỗi sự kiện năm nay gồm Trần Phương, Tự Huy, Tất Bình, Lê Mạnh Thích, Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Bùi Thạc Chuyên, Trần Phương Thảo, Síu Phạm... Chương trình chiếu phim diễn ra tại rạp Ngọc Khánh (523 phố Kim Mã) và Complex 01 (phố Tây Sơn).

Mở màn chuỗi sự kiện là công chiếu bộ phim “Hy vọng cuối cùng” của đạo diễn, NSND Trần Phương. Phim kể một câu chuyện diễn ra tại Hà Nội đầu những năm 1980, do NSND Như Quỳnh vào vai chính.

Tác phẩm được ví như cái nhìn sắc sảo lẫn dịu dàng trước những đổi thay trong xã hội Việt Nam, nơi lòng tốt, sự quả cảm, cao thượng bị đe dọa bởi lòng tham, sự tha hóa của chủ nghĩa cá nhân. “Hy vọng cuối cùng” là hy vọng vào tình yêu, một quan niệm tình yêu đầy tính lý tưởng và quá mức ý nhị.

Phim "Cái tát sau cánh gà" ghi lại ký ức tập thể về sự dịch chuyển của sân khấu miền Bắc thập niên 1990, khi các giá trị cũ dần mờ nhạt và cái mới đang tìm đường định hình.

Trong phim, với mong muốn tìm cách đưa đoàn kịch Gió Mới trở lại, cũng là một sự tri ân cuối cùng dành cho khán giả, đạo diễn Nguyễn Đình dồn tâm sức dựng vở kịch kết hợp sân khấu và điện ảnh. Ông tạo ra một phối cảnh giao giữa hai loại hình, đan cài cùng ký ức, những lớp lang thời gian mời gọi những suy ngẫm về ranh giới giữa hư cấu và hiện thực.

Phim "Truy lùng băng quỷ gió", bộ phim như một hình dung về Hải Phòng của đạo diễn Tự Huy với bối cảnh thành phố được hiện lên trong những khắc nghiệt của địa lý lẫn xã hội, khi kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu dưới những quy luật của tự nhiên; ham muốn quyền lực với khát vọng đồng tiền dẫn đến lầm lạc; con người trở nên nhỏ bé trong chính những quang cảnh xung quanh...

Trong khuôn khổ chương trình có trò chuyện “Điện ảnh, những ký ức mới” (ngày 20/4) chia sẻ về việc tạo ký ức mới cho điện ảnh từ các cách tiếp cận, thực hành, quy mô và kinh nghiệm khác nhau; trò chuyện về “Những khóa học điện ảnh tại Việt Nam” (27/4) mang tới câu chuyện của TPD, Varan VietNam, Hanoi Doclab và Gặp gỡ mùa thu.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuoi-su-kien-nhu-trang-trong-dem-ban-ve-dien-anh-viet-nam-post341714.html