Chương Mỹ nâng cao chất lượng, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm

UBND huyện Chương Mỹ vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện năm 2023. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP và phấn đấu đạt mục tiêu có thêm 40 sản phẩm được đánh giá, chứng nhận từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP và được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.

Chủ động ứng dụng công nghệ để nâng tầm sản phẩm

Sở hữu nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, Chương Mỹ có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP. Trên địa bàn huyện có 175/208 làng có nghề, 35 làng nghề truyền thống đã được công nhận; 94 hợp tác xã; 559 trang trại chăn nuôi, trồng trọt; 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; 10 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường như: gạo hữu cơ Đồng Phú; bưởi Chương Mỹ; rau an toàn Chúc Sơn; trứng gà Tiên Viên; mây tre giang đan Phú Nghĩa; nón lá Văn La…

Huyện Chương Mỹ luôn chú trọng công tác quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Kim Thoa

Huyện Chương Mỹ luôn chú trọng công tác quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Kim Thoa

Từ năm 2019, UBND huyện đã triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn, đến nay toàn huyện có tổng số 145 sản phẩm được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP của huyện khá phong phú, đa dạng. Hiện, các chủ thể OCOP đang phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất nhằm đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao chất lượng, giúp sản phẩm có được nét đặc sắc riêng.

Nhờ nỗ lực tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, anh Trần Văn Nguyện - Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Việt Nam Gigaherbs đã xây dựng và phát triển vùng trồng tía tô, rau má thành những sản phẩm “tinh hoa thảo dược”, nguồn “vàng xanh” cho nông nghiệp Thủ đô. Trên diện tích 2ha ở thôn Lương Xá, xã Lam Điền, anh Nguyện cùng cộng sự luôn cẩn trọng, tỉ mỉ từ việc khảo sát nguồn đất, nước, theo dõi thời tiết, khí hậu đến việc thuê máy móc đào hệ thống mương giữ nước, lên luống cao để tiêu thoát nước dễ dàng; lắp đặt hệ thống tưới nước xoay tự động...

Nhờ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc, công ty đã hoàn thiện từ bước sản xuất, thu hái, sơ chế, bảo quản, chế biến nguyên liệu thành các sản phẩm. Ngoài sản xuất tinh bột rau má, tía tô, trà túi lọc rau má tía tô, anh Nguyện còn kết hợp với một số nguyên liệu khác như: cà gai leo, cây mâm xôi, đông trùng hạ thảo, diếp cá… để sản xuất và đưa ra thị trường gần 20 sản phẩm đồ uống, thực phẩm chăm sóc sức khỏe. Không chỉ mang lại nguồn sản phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe, công ty còn tạo công ăn việc làm và góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Với những nỗ lực, tâm huyết và phấn đấu không ngừng, năm 2022 Công ty Gigaherbs đã có 4 sản phẩm được đánh giá, chứng nhận OCOP 4 sao là: trà bổ phế, trà rau má cà gai leo, trà rau má tía tô, bột rau má đậu xanh collagen. Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm đã được thị trường đón nhận và tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được thương hiệu. Năm 2023, Công ty tiếp tục đăng ký từ 3 - 5 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Thời gian tới, công ty tiếp tục kết hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng thảo dược để cho ra đời nhiều sản phẩm nguyên liệu từ thiên thiên - anh Nguyện cho biết.

Còn mô hình nuôi gà đẻ trứng thảo dược của HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiên Cà (xã Lam Điền) với sản phẩm trứng gà thảo dược được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cũng không ngừng được nâng cao chất lượng. Theo Giám đốc HTX Phan Trung Kiên, gà trắng Ai Cập đẻ trứng đã tạo ra những quả trứng được mang thương hiệu “Trứng gà cà gai leo”, với ưu điểm vượt trội "3 không": không cám công nghiệp, không sử dụng kháng sinh, không dùng chất kích thích. Đặc biệt, trang trại luôn mát mẻ, sạch sẽ, được lắp đặt hệ thống điều hòa, để giữ nhiệt độ trong ngưỡng 25 - 32℃, giúp gà phát triển, sinh trưởng tốt nhất.

Gà được ăn toàn bộ thực phẩm sạch, thảo dược chọn lọc như ngô tẻ đỏ Sơn La, cám gạo tươi miền Bắc, đậu tương rang, tỏi tươi, đinh lăng, hoàn ngọc, quế, diếp cá, trà xanh, mật nhân, đương quy, nghệ, đặc biệt là cà gai leo - loại thảo dược rất tốt để tăng cường chức năng gan... Gà Ai Cập còn được uống nước lọc RO, khử bằng tia UV. Giờ giấc ăn ngủ, nghỉ của đàn gà sẽ được thực hiện theo thời gian biểu lập sẵn rất khoa học, nhất là đàn gà còn được nghe nhạc thư giãn hằng ngày, giúp việc ăn uống, tiêu hóa được tốt hơn. Hiện nay, các sản phẩm trứng gà cà gai leo của anh Phan Trung Kiên đã được kiểm tra và đạt chứng nhận là thực phẩm sạch, an toàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, các sản phẩm được chứng nhận OCOP thể hiện đặc điểm văn hóa, truyền thống và giá trị kinh tế đặc thù của địa phương. Sau khi được chứng nhận, các chủ thể OCOP của huyện đều có kế hoạch tăng năng suất, giá trị các sản phẩm thông qua việc nâng cao công nghệ sản xuất, tối ưu hóa quy trình và đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiện đại, ngày càng bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, hộ cá nhân chủ động mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu và thúc đẩy tiếp thị sản phẩm OCOP trên cả nước; tiếp tục đầu tư nghiên cứu để phát triển các sản phẩm mới, cải tiến công thức và khám phá các ứng dụng mới của dược liệu tự nhiên.

Đẩy mạnh quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ

Năm 2023, huyện Chương Mỹ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP và phấn đấu đạt mục tiêu có thêm 40 sản phẩm được đánh giá, chứng nhận từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP và được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; 100% chủ thể được bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình OCOP; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.

Để phát triển và nâng cấp sản phẩm OCOP, UBND huyện sẽ hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát triển sản phẩm mới, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất. Khuyến khích các chủ thể là HTX và doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thúc đẩy các phong trào phụ nữ, nông dân, thanh niên, trí thức trẻ khởi nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, các chủ thể đã có sản phẩm tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về: đầu tư, nâng cấp máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì để nhận diện sản phẩm; in tem sản phẩm OCOP; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...; thuê chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP; tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững.

Bên cạnh phát triển, nâng tầm sản phẩm, việc quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ các sản phẩm OCOP luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Theo đó, huyện Chương Mỹ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm đặc trưng của huyện tại các hội chợ lớn để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của huyện nhằm giúp các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Được biết, năm 2023, huyện có kế hoạch thành lập 1 Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại xã Phú Nghĩa, nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề; xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

____________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/chuong-my-nang-cao-chat-luong-mo-rong-kenh-tieu-thu-san-pham-i338294/