Chương trình chất lượng cao: Quan trọng là công khai, minh bạch
Từ năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học dừng tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao.
Có trường quyết định mở mới hoặc đổi tên chương trình. Song dù là chương trình nào thì cũng cần đề cao trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo.
Quyền tự chủ đại học
Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Do vậy, theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương), đơn vị sẽ cải tiến, cập nhật chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng tích hợp chuẩn quốc tế, hoặc có thể tiến tới thống nhất chỉ còn một mô hình, đó là chuẩn nghề nghiệp và phát triển quốc tế.
Còn theo PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), xây dựng và phát triển chương trình đào tạo là quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, tên gọi là gì cần tuân thủ quy định về chuẩn chương trình đào tạo, chất lượng từ đầu vào đến ra và các quy định khác liên quan.
Qua khảo sát các trường sau khi được tự chủ đã có chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo, TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhìn nhận. Theo đó, nhiều trường đầu tư nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học và trang bị nhiều hơn các kỹ năng mềm cho người học.
Có đơn vị đưa vào sử dụng trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với chuẩn quốc tế; từ đó tạo môi trường học tập tốt hơn so với trước khi tự chủ. Ngoài ra, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế với mức học phí cao nhưng luôn có số lượng sinh viên đăng ký rất đông.
Liên quan đến tên chương trình đào tạo, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm, việc này sẽ do cơ sở giáo dục đại học quyết định và định nghĩa cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra. Vì thế, cơ sở giáo dục đại học phải minh bạch và trách nhiệm giải trình với người học, xã hội về chất lượng chương trình đào tạo của đơn vị; trong đó có cả chương trình chất lượng cao và “cải biên” từ chương trình này.
Chủ trương “ba công khai” của Bộ GD&ĐT chính là nỗ lực theo hướng đó và cần tiếp tục củng cố, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh. Thay vì can thiệp, kiểm soát, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý đòi hỏi các trường phải thực hiện trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức kiểm định độc lập.
Đề cao trách nhiệm giải trình
Nhấn mạnh, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, TS Lê Việt Thủy cho hay, trong các quy định về tự chủ luôn có yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trách nhiệm giải trình luôn được đề cao. Nhà trường định kỳ thực hiện 3 công khai: Công khai và cam kết chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra; mức thu học phí; điều kiện cơ sở vật chất… Các báo cáo 3 công khai này đều được đăng tải trên cổng thông tin điện tử để người học, xã hội xem và giám sát.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ đối với cơ quan quản lý có thẩm quyền và kịp thời giải trình với tất cả yêu cầu của cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra… Ngoài ra, nhà trường cũng bước đầu công khai các chỉ số liên quan đến trách nhiệm giải trình, như: Tỷ lệ sinh viên có việc làm, mức lương trung bình của sinh viên sau khi ra trường, số chương trình được kiểm định, số lượng và danh mục các xuất bản quốc tế…
Nhận thấy, một số trường đại học đã bỏ tên gọi chương trình đào tạo chất lượng cao, thay vào đó là chương trình tăng cường tiếng Anh, Nhật, Trung Quốc…, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm, theo quy định, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Về bản chất, chương trình nêu trên có mức học phí, nội dung đào tạo, dịch vụ… giống chương trình chất lượng cao.
Theo nghĩa này, các trường đã thay “bình mới” nhưng có thể vẫn là “rượu cũ” cho một chương trình đào tạo. Cũng có trường chỉ đơn thuần “thay tên đổi họ” cho chương trình. “Dù bằng cách nào hay chương trình gì vẫn cần tăng cường giám sát, hậu kiểm và nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vương Quốc Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình là hai mặt không thể tách rời, thiếu trách nhiệm giải trình sẽ biến tự chủ thành tự trị.
Muốn vậy, cần có công cụ quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học là: Kiểm định chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch thông tin hoạt động của cơ sở đào tạo. Ngoài ra, cần có khung pháp lý rõ ràng về vai trò chỉ đạo, quản trị và điều hành giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu nhà trường để tránh chồng chéo và tạo ra xung đột không đáng có, đồng thời quy định rõ trách nhiệm giải trình.
Theo cơ chế tự chủ, việc mở ngành, đặt tên ngành học, tự do học thuật là trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học nhằm cung cấp cho người học chất lượng đào tạo cao, GS.TS Trần Đức Viên – nguyên Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận. Với nền quản trị đại học khi các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ toàn diện, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đóng vai trò “chỉ đạo từ xa” bằng nhiều hình thức.
“Chẳng hạn, qua hệ thống kiểm định chất lượng của các trường, hệ thống hỗ trợ phát triển nghiên cứu và bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học, cung cấp tài chính và đầu tư theo “kết quả đầu ra” của cơ sở đào tạo”, GS.TS Trần Đức Viên trao đổi, đồng thời gợi mở, thông qua hội đồng trường, cơ sở giáo dục đại học sẽ tự lãnh đạo, lên kế hoạch phát triển, hành động và ra quyết định. Tất nhiên, vẫn phải đi kèm với trách nhiệm giải trình.
Quan ngại khi “sang tên, đổi họ”?
Cũng theo GS.TS Trần Đức Viên, cần xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế bảo đảm điều tiết vĩ mô của Nhà nước về cơ cấu, quy mô giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực đất nước trong từng thời kỳ; bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng đào tạo; tạo niềm tin cho xã hội và người học.
Liên quan đến cơ sở giáo dục đại học dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, không còn khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao. Do đó, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc bãi bỏ Thông tư số 23 không có nghĩa cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai chương trình chất lượng cao. Điều này không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình khác của cơ sở giáo dục đại học.
Phát triển chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT khuyến khích cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển chương trình đào tạo có yêu cầu về chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ quy định. Dù tên gọi là gì, các đơn vị có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với chương trình do trường cung cấp.
Mặt khác, các trường cam kết với người học về tuyên bố chất lượng từ đầu vào, điều kiện dạy - học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cùng những quy định khác. Các cơ sở đào tạo cũng thực hiện trách nhiệm giải trình đối với bên liên quan và toàn xã hội.
Theo TS Lê Viết Khuyến, không quá quan ngại khi các trường “sang tên, đổi họ” cho chương trình chất lượng cao. Bởi bản chất, các chương trình vẫn dựa trên nền tảng và kế thừa từ chương trình chất lượng cao trước đây.
Tuy nhiên cần tăng cường thanh/kiểm tra, giám sát những chương trình này. Các trường cần bám sát và tuân thủ quy định Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT “Quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học”.
“Việc cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định thì bị đình chỉ hoạt động với ngành đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, TS Lê Viết Khuyến nhắc lại.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học quy định: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo cần được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải kiểm định theo quy định của Luật này.
Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình cũng như quyền lợi cho người học; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, điều kiện đảm bảo chất lượng so với yêu cầu của Bộ GD&ĐT thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Các khóa chất lượng cao đã tuyển sinh trước ngày 1/12/2023 (ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.