Hoàn thiện Chương trình giáo dục mầm non mới bảo đảm tiến độ, chất lượng

Chiều 14/7, tại Bộ GD&ĐT diễn ra cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo Chương trình giáo dục mầm non mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp.

Dự họp có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo Chương trình.

Tích cực triển khai xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới

Báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho biết:

Năm 2020, kế hoạch, trọng tâm định hướng xây dựng Chương trình Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020 đã được ban hành.

Năm 2022, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới (thí điểm 1 năm học).

Năm 2023, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới (điều chỉnh thí điểm thành 3 năm học) và các hoạt động chi tiết cho từng năm chuyển tiếp từ 2022-2028.

Năm 2024 ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới giai đoạn 2024 - 2030; bổ sung đánh giá Chương trình hiện hành; đánh giá độc lập thí điểm và chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới; giám sát, hỗ trợ tập huấn tại các địa phương. Các kế hoạch nêu trên đều có đơn vị chủ trì, phối hợp cụ thể theo từng nhiệm vụ.

 Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại cuộc họp.

Vụ Giáo dục Mầm non, Ban biên soạn xây dựng Chương trình (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã chủ trì, phối hợp theo phân công thực hiện nhiệm vụ, gồm: Đánh giá Chương trình giáo dục mầm non hiện hành; định hướng biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non; biên soạn dự thảo Chương trình giáo dục mầm non; thử nghiệm và điều chỉnh dự thảo Chương trình; thẩm định, ban hành Chương trình giáo dục mầm non; thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.

Về xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non, ông Nguyễn Thanh Đề thông tin: Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2025, Vụ Giáo dục Mầm mon hoàn thành xây dựng dự thảo hồ sơ Nghị quyết theo quy định; soạn thảo các dự thảo, gửi đăng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ GD&ĐT và gửi xin ý kiến 10 bộ ngành, và UBND 63 tỉnh, thành phố; tiếp thu, giải trình và điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định ngày 26/6/2025 về hồ sơ dự thảo Nghị quyết về sự cần thiết ban hành và tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Ngày 27/6/2025, Bộ GD&ĐT đã có tờ trình báo cáo Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề xuất đưa nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết này ra khỏi Chương trình công tác năm 2025. Một số chính sách về trẻ em, đội ngũ, cơ sở vật chất tại dự thảo Nghị quyết đã và đang được đưa vào Luật Nhà giáo, Luật Trẻ em; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP … và các văn bản liên quan khác. Các nội dung cụ thể về đổi mới sẽ đưa vào dự thảo Chương trình giáo dục mầm non theo quy trình xây dựng, ban hành Thông tư theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

 Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.

7 điểm mới cơ bản

Báo cáo quá trình và kết quả xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết:

Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng từ 2022 đến nay theo đúng quy trình của Thông tư số 49/2020/TT-BGDĐT và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Qua nhiều lần tham vấn ý kiến chuyên gia, địa phương và tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định, hiện nay dự thảo Chương trình về cơ bản được hoàn thành, với những điểm mới như sau:

Thứ nhất: Tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm - xã hội, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam; thể hiện qua mục tiêu, kết quả mong đợi, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ.

Thứ hai: Tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo chất lượng, công bằng, hòa nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, phát triển ngôn ngữ (quan tâm ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ) trong xây dựng và phát triển Chương trình giáo dục mầm non.

Thứ ba: Trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục trên cơ sở đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường sống, bản sắc văn hóa của địa phương, tăng cường quyền và năng lực tự chủ trong phát triển chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục nhà trường.

 Ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam báo cáo quá trình và kết quả xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.

Ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam báo cáo quá trình và kết quả xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.

Thứ tư: Quy định về tổ chức chế độ sinh hoạt cho trẻ trong Chương trình bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ em mầm non và chế độ làm việc của đội ngũ theo quy định Bộ luật Lao động. Khắc phục một số hạn chế của Chương trình hiện hành, bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới.

Thứ năm: Trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, chủ thể trong hoạt động và giao tiếp. Trẻ em học qua chơi và trải nghiệm phù hợp với hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi. Nhà giáo dục là người hỗ trợ trẻ em phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc và có ý nghĩa.

Thứ sáu: Liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới/tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển sức khỏe, thể chất, kỹ năng cảm xúc - xã hội ở trẻ, hòa hợp với tự nhiên.

Thứ bảy: Mở rộng cơ hội tham gia và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong 5 thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo Chương trình trao đổi tại cuộc họp.

Hoàn thiện thủ tục bảo đảm tiến độ, chất lượng

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến dự thảo Chương trình giáo dục mầm non, hướng dẫn thực hiện Chương trình… Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm đến việc chuyển đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; lựa chọn giữa thuật ngữ “kết quả mong đợi” và “yêu cầu cần đạt” trong xây dựng Chương trình…

Những nội dung trên được Bộ trưởng trao đổi lại tại phát biểu kết luận; yêu cầu chung là có thuyết minh mạch lạc, thuyết phục về thuật ngữ được lựa chọn và cần có sự lượng hóa.

Bộ trưởng đề nghị Ban Soạn thảo rà soát dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới trên tinh thần phù hợp với điều kiện triển khai, nhưng cũng đồng thời có tính hướng đích xa hơn; phù hợp với Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và những chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ… Cùng với dự thảo Chương trình, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ hồ sơ có liên quan, các tài liệu đi kèm (ma trận đầu ra lập thành một phụ lục kèm Chương trình) và xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Trần Hiệp.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoan-thien-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-moi-bao-dam-tien-do-chat-luong-post739687.html