Chương trình giáo dục mầm non mới: Góc nhìn từ chuyên gia
Theo các chuyên gia thì khi xây dựng chương trình mầm non mới cần lưu tâm đến yếu tố triết lý giáo dục cũng như tính liên thông của chương trình.
Cần có triết lý riêng
Chuyên gia giáo dục cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Malaysia, TS. Aija Rinkinen cho biết: “Khi xây dựng chương trình giáo dục mầm non cần quan tâm đến triết lý giáo dục. Tại đó, trẻ em là trung tâm, chăm sóc và phát triển trẻ là phương pháp. Giáo viên được liên tục bồi dưỡng để cập nhật, đổi mới; trẻ em được xác định và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết. Nhà trường phối hợp với phụ huynh, gia đình cùng với các tổ chức xã hội, y tế”.
TS. Aija Rinkinen cũng cho rằng, cùng với đó, sự phát triển các kỹ năng nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, cảm xúc xã hội thời thơ ấu giúp trang bị cho trẻ nền tảng quan trọng để trẻ phát huy hết khả năng ở trường và trong cuộc sống. Chương trình giáo dục mầm non mới của Việt Nam cần chú trọng trang bị cho trẻ những kỹ năng mới như kỹ năng số, kỹ năng xanh, kỹ năng thích ứng.
Còn GS. Lee Chikin John, chuyên gia giáo dục Hong Kong cho biết, để giáo dục mẫu giáo chất lượng cao, cần phù hợp với thực tiễn tiểu học và trung học, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình học tập và phát triển của trẻ. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển cân đối các lĩnh vực đạo đức, trí tuệ, thể chất, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, từ đó đạt mục tiêu phát triển trẻ toàn diện.
GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu ba điểm trong định hướng chương trình giáo dục mầm non mới là: Xây dựng chương trình tiếp cận năng lực và có tính liên thông với chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp cận Quyền trẻ em được khắc họa rõ nét hơn; trao quyền mạnh hơn cho địa phương trong thực hiện chương trình.
Cần thí điểm đánh giá
Nhóm nghiên cứu về giáo dục mầm non của Ngân hàng thế giới (WB) chia sẻ một số góp ý với Ban soạn thảo khi xây dựng Chương trình. Thứ nhất, chương trình giáo dục mầm non cần xây dựng dựa trên dữ liệu, bằng chứng được thu thập được một cách thấu đáo, hệ thống từ thực tiễn nhà trường, lớp học mầm non ở những vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Có thể bao gồm cả những tính toán về phân kỳ, thí điểm chương trình và đánh giá nghiên cứu liên tục trước khi tiến hành triển khai diện rộng toàn quốc. Thứ hai, chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, đây là điểm rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, có những kỹ năng chỉ có thể học được, không thể dạy được, ví dụ như sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, hay tính kiên trì, ý chí. Do vậy, có thể cân nhắc việc Chương trình cung cấp được những hướng dẫn thiết thực, cụ thể về học tập trải nghiệm, về học thông qua hoặc dựa trên hoạt động vui chơi.
Mục đích để trẻ và giáo viên có thể tránh được sự trừu tượng khi triển khai thực hiện chương trình mới. Ngoài các năng lực đã đề cập, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, cần chú ý hơn đến các năng lực về tình cảm và xã hội.
Ví dụ năng lực tự điều chỉnh tình cảm, hành vi, suy nghĩ của trẻ; niềm tin vào những năng lực của bản thân; sự bền bỉ, tính kiên cường, khả năng vượt qua thất bại.
Cùng với đó, Chương trình giáo dục mầm non cần có những hướng dẫn phù hợp để theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ. Từ đó điều chỉnh thích hợp trong phương pháp sư phạm và đưa ra những quyết định phù hợp cho giai đoạn phát triển của trẻ tiếp theo. Song song xây dựng Chương trình giáo dục mầm non, cũng cần cập nhật chuẩn phát triển của trẻ.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, chất lượng thực sự của Chương trình giáo dục mầm non không nằm ở văn bản, mà nằm ở bản chất mối quan hệ giữa người chăm sóc trẻ, giáo viên với trẻ với bản thân trẻ. Mối quan hệ này được dựa trên tình thương và là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục mầm non. Do đó, chương trình giáo dục mầm non phải song hành rất chặt chẽ với đào tạo, với bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.