Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - cần thêm chính sách để phát huy hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và đánh giá thuận lợi, khó khăn để kiến nghị khắc phục những bất cập.

Trên cơ sở của các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Đề án về việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 2968/QĐ-UBND, ngày 14/10/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới; Kế hoạch số 119/KH-UBND, ngày 23/8/2019 về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 - 2025. Trong đó, UBND tỉnh đã đưa ra các nội dung, giải pháp hoạt động, nhiệm vụ cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn, dự toán kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác truyền thông. Đồng thời, chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng tích cực, chủ động thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục; giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hội nghị, hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả nhằm rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang tìm hiểu, lắng nghe phản ánh về những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy và học theo chương trình đổi mới. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) hiện đang dạy 4 tổ hợp môn: Lý, Hóa, Sinh, Tin học; Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ (kỹ thuật); Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh, Tin học; Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý, Tin học. Trường cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, nhu cầu của học sinh và điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất của trường. Theo đồng chí Kim Văn Ngói - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn do cấp trung học cơ sở học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, khi đến lớp 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên không đồng bộ về kiến thức, sự định hướng của 2 chương trình; trang thiết bị phục vụ dạy học chưa đầy đủ.

Hay trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), đồng chí Lý Văn Luận - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào đạo thị xã Vĩnh Châu cho rằng, chương trình đổi mới phát triển nhiều học liệu điện tử đã giúp học sinh dễ dàng tiếp cận nội dung hơn. Tuy nhiên, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực phản biện, năng lực tự đánh giá, tự học... của học sinh còn thấp.

Theo đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, công tác giảng dạy theo hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông luôn được thực hiện chặt chẽ, từ đó có nhiều chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Đồng thời, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp, chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện chương trình đổi mới là việc dạy môn mới và hoạt động mới như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; hoạt động trải nghiệm hướng nghiêp; nội dung giáo dục địa phương chưa có giáo viên được đào tạo chính quy dạy các môn tích hợp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu so với yêu cầu đổi mới hiện nay…

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Điều cần thiết để đảm bảo dạy và học đạt theo chương trình đổi mới là ban hành chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; chính sách tuyển dụng đội ngũ nhà giáo; chính sách bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp để giúp các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; có sự điều chỉnh giảm số lượng học sinh trên lớp nhằm giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động tăng cường tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình học tập; hướng dẫn thực hiện chính sách cho giáo viên dạy liên trường, chính sách cho giáo viên được điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu để họ an tâm công tác.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-can-them-chinh-sach-de-phat-huy-hieu-qua-64732.html