Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo viên 'rối', học sinh 'khủng hoảng'
Năm học tới, khối lớp 3, lớp 7, lớp 10 sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới với bậc trung học phổ thông, chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa để phù hợp định hướng nghề nghiệp của học sinh. Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển rất tốt cho người học, nhưng chỉ khi cơ sở giáo dục đảm bảo về nguồn nhân lực, vật lực.
Với chương trình mới, thay vì học 17 môn như hiện nay, học sinh chỉ cần học 7 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, các em được tự chọn 5 môn từ 3 nhóm môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Nghệ thuật, chưa kể các chuyên đề học tập.
Quyền chọn lựa này cho phép tạo ra 108 tổ hợp môn học khác nhau tùy theo nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, nhà trường phải bố trí người dạy ra sao, phòng học thế nào với các nguồn lực sẵn có trở thành một bài toán nan giải.
Thầy NGUYỄN QUỐC BÌNH, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: “Tạo ra sự khủng hoảng lựa chọn của học sinh. Số tổ hợp quá nhiều và như vậy không trường nào có thể đáp ứng được nguyện vọng của các em học sinh.”
Chưa đến 5 tháng nữa sẽ triển khai chương trình mới, nhưng đến nay học sinh lớp 9 vẫn còn đang “chạy đua” để thi cử chuyển cấp và chưa có dự định chọn lựa cụ thể. Trong khi đó, nhà trường vẫn đang chờ những hướng dẫn cụ thể hơn.
Thầy TRỊNH HÙNG SƠN, Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi Sở đào tạo lại. Mong Sở và Bộ triển khai sớm để giáo viên không bị rối, thuận lợi cho việc giảng dạy”.
Cũng có nhiều ý kiến lạc quan từ phía một số trường học đã áp dụng phương thức giáo dục cá biệt hóa này. Đối với ngôi trường này, học sinh đã được tự chọn môn học từ nhiều năm nay, dù “vạn sự khởi đầu nan” nhưng kết quả đến nay rất tích cực.
Cô NGUYỄN KIM ANH, Khối trưởng khối 12, trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội: “Thực ra đây là một cách giáo dục rất nhân văn đấy, vì nó cho học sinh được phát triển thế mạnh thay vì bắt phải toàn diện các môn. Khi trường tôi áp dụng ban đầu cũng rất chật vật nhưng đến thời điểm này đã đi vào ổn định. Chúng ta không nên bỏ qua nó vì khó khăn lúc ban đầu.”
Lợi ích của chương trình này là rất rõ ràng, nhưng chỉ áp dụng cứng nhắc mà không cân nhắc đến nguồn lực nhà trường sẽ dẫn đến việc “lùa” học sinh vào các tổ hợp có sẵn, cho lựa chọn 1 cách hình thức. Chúng ta đã thấy việc lựa chọn sách giáo khoa những năm vừa qua thực tế lại quy về chọn theo trường, theo tỉnh, lại dùng chung bộ sách giáo khoa theo khu vực hẹp hơn chứ chưa đạt được mục đích đa dạng ban đầu.
Thực hiện : Đỗ Minh Minh Quốc