Chương trình giáo dục phổ thông mới: Phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dạy và học

Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi. Ngành Giáo dục tập trung cao triển khai nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Thực hiện kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, khi triển khai đồng bộ việc dạy và học theo chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12, ngành Giáo dục Bắc Giang tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Trong đó dành nhiều thời gian cho các em khai thác sử dụng sách giáo khoa, chú trọng vận dụng kiến thức để thực hành, thí nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn và định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Những ngày đầu của năm học mới, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 nhưng ngay sau khi cho học sinh trở lại học tập, các trường đã bám sát sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tập trung cao triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới.

 Giờ học của cô và trò Trường THCS Vũ Xá (Lục Nam).

Giờ học của cô và trò Trường THCS Vũ Xá (Lục Nam).

Vừa khai giảng năm học mới, Trường THCS Vũ Xá (Lục Nam) đã phải tạm cho học sinh nghỉ học 9 ngày để tránh lụt. Ngay sau khi nước rút, nhà trường đã tổ chức hoạt động dạy vào học theo khung chương trình năm học và đẩy nhanh tiến độ dạy bù kiến thức cho các em trong những ngày nghỉ học.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này, nhà trường có 346 học sinh ở 10 lớp. Đối với khối lớp 9 sẽ là lứa học sinh đầu tiên thi vào lớp 10 THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể về kỳ thi, nhà trường đã bám sát nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 chỉ đạo giáo viên giảng dạy theo khung chương trình, bồi dưỡng kiến thức nền tảng và yêu cầu học sinh học đều các môn học để khi công bố các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT các em có thể đáp ứng tốt”.

Từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường xây dựng phương án dạy và học không chỉ cho một năm học mà trong cả giai đoạn, mang tính ổn định, lâu dài, ứng phó linh hoạt với tình huống phát sinh.

Thực hiện tổng thể chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi trong đó có thêm một số hình thức trắc nghiệm mới như: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm dạng đúng sai và trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Bước vào năm học 2024-2025, các trường THPT chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của kỳ thi đổi mới. Trường THPT Giáp Hải (TP Bắc Giang) có hơn 1,3 nghìn học sinh ở 30 lớp. Ngay khi vào lớp 10, nhà trường phân lớp theo 4 nhóm các môn học tự chọn liên quan đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Cô giáo Đỗ Thị Huyền, giáo viên Toán cho biết: “Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT đặt ra yêu cầu cao hơn với các trường THPT trong việc giảng dạy là vừa bảo đảm giáo dục toàn diện, vừa phân hóa cho học sinh đủ để thi đại học, cao đẳng hay học nghề. Nhà trường triển khai kế hoạch giảng dạy theo chuẩn kiến thức môn học, chú trọng phân luồng giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu học sinh chủ động hơn trong phân bổ, đầu tư thời gian cho từng môn tùy thuộc vào mục tiêu vào đại học hay học nghề để có đủ kiến thức tham gia các kỳ thi”.

Phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, sau khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả khối lớp, các cơ sở giáo dục đã từng bước phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai kế hoạch giảng dạy. Học sinh toàn tỉnh được học môn Tiếng Anh từ lớp 1, môn Tin học từ lớp 3. Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng được chú trọng đã giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp, sớm tiếp cận thị trường lao động. Chương trình mới không bó buộc cách thức truyền tải kiến thức, người dạy có thể linh hoạt sử dụng nhiều hình thức như: Chia nhóm học sinh thảo luận, từ bài giảng gợi ý cho học sinh làm thí nghiệm, thực hành, hướng dẫn các em khái quát hiện tượng, sự việc.

 Giờ học thực hành, trải nghiệm của cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Bắc Giang).

Giờ học thực hành, trải nghiệm của cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Bắc Giang).

Mặc dù vậy, hiện nay, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Các bậc học vẫn thiếu giáo viên, nhất là giáo viên ở các môn học như: Khoa học tự nhiên cấp THCS; Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THPT. Việc xây dựng các tổ hợp môn học cấp THPT chủ yếu dựa trên khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân lực của các nhà trường mà chưa đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của học sinh.

Hiện nay, ngay sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, phần lớn các trường THPT bố trí từ 4-6 tổ hợp môn học cho học sinh lớp 10 lựa chọn. Nhiều em muốn học các tổ hợp môn học khác, nhất là các tổ hợp liên quan đến hội họa, âm nhạc nhưng nhiều cơ sở giáo dục chưa bố trí được nên phải đăng ký học các tổ hợp hiện có.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Năm học 2024-2025 có nhiều hoạt động mang tính tổng kết đối với các cấp học. Trong đó có nhiệm vụ đánh giá thực tiễn sử dụng sách giáo khoa, hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, công tác tổ chức các kỳ thi để từ đó toàn ngành triển khai hiệu quả, từng bước đi vào chiều sâu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng mục tiêu đặt ra, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường bám sát nhiệm vụ năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp các em tích lũy kiến thức phổ thông, biết vận dụng vào thực tiễn đời sống.

Trong đó nâng cao chất lượng đội ngũ, ưu tiên người có trình độ, năng lực chuyên môn dạy các môn tích hợp và dạy lớp cuối cấp. Mỗi nhà giáo phải nỗ lực đổi mới, nâng cao trình độ nghiệp vụ, khơi dậy năng lực và tính chủ động của người học. Ngành Giáo dục Bắc Giang cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-phat-huy-tinh-chu-dong-sang-tao-cua-nguoi-day-va-hoc-073449.bbg