Chương trình học vượt cấp đã mở ra nhiều cơ hội mới cho nữ sinh Ulis

Phạm Phương Anh là học viên năm nhất chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục ngôn ngữ 2 tại McGill University, Canada. Cô từng là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ(Ulis) - ĐHQGHN và là lứa sinh viên đầu tiên theo học chương trình vượt cấp được triển khai tại Ulis. Chương trình vượt cấp này đã giúp cho cô gái người Hà Nội có những bước phát triển vượt trội trong học tập.

Ngày Phương Anh nhập học McGill University, Canada.

Ngày Phương Anh nhập học McGill University, Canada.

Ở Việt Nam, Phương Anh có quãng thời gian đi học gắn liền với khuôn viên Đại học Quốc Gia - Đại học Sư phạm Hà Nội. Cấp 2 cô theo học ở trường Nguyễn Tất Thành, lên cấp 3 lại học Chuyên Sư phạm và cuối cùng là học chuyên ngành Sư phạm Anh ở trường Đại học Ngoại ngữ.

Phương Anh chia sẻ: “Có lẽ việc theo học chương trình Vượt Cấp lần đầu tiên được triển khai tại Ulis là điều đáng tự hào nhất của mình thời sinh viên. Nhờ có cơ hội học Vượt Cấp mà mình học các môn được thiết kế riêng, có thêm nhiều người bạn mới vì chuyển tổng cộng 3 lớp trong 3 năm học, được học tập dưới sự hướng dẫn của những giảng viên cực giỏi và tâm huyết, và đặc biệt là tốt nghiệp sớm hơn 1 năm so với các bạn cùng tuổi. Bên cạnh đó thì tấm bằng cử nhân xuất sắc chuyên ngành Sư phạm Anh cùng những kiến thức và kỹ năng mình học được từ Ulis đã giúp mình không gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành và nộp hồ sơ ứng tuyển chương trình Thạc sĩ mình đang học.”

Khi nhắc tới Ulis, Phương Anh thường nhớ tới những deadlines nối nhau, khối lượng bài tập và dự án tăng lên gấp rưỡi khi cô và các bạn phải hoàn thành chương trình trong 3 năm thay vì 4 năm học. Chính vì thế khó khăn lớn nhất đối với cô và những bạn học Vượt Cấp là việc sắp xếp và quản lý thời gian để có thể vừa học, vừa làm thêm tích lũy kinh nghiệm, và dành thời gian cho gia đình.

Ngày Phương Anh nhận bằng tốt nghiệp Ulis.

Ngày Phương Anh nhận bằng tốt nghiệp Ulis.

“Trong những năm tháng thanh xuân tại trường Đại học Ngoại ngữ, mình cảm thấy may mắn khi có một nhóm bạn đại học vừa chơi giỏi mà học cũng rất siêu, bọn mình hay làm dự án và thuyết trình trên lớp cùng nhau. Vì chơi thân nên bọn mình hiểu điểm mạnh yếu của nhau để phân chia công việc cho hợp lý, đồng thời cũng sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần. Đối với những bài tập cá nhân, mình luôn cố gắng bắt đầu sớm để có thêm thời gian suy nghĩ và hỏi giảng viên khi cần. Tóm lại 2 kỹ năng mình thấy hiệu quả nhất để sinh tồn ở đại học mà mình đúc rút được là làm việc nhóm và bắt đầu sớm mọi việc” – Phương Anh bộc bạch.

Hiện tại ở Canada, ngoài việc học Thạc sĩ, Phương Anh còn làm quản trị viên tại một trường song ngữ ở Montreal nơi bản thân đang sinh sống và học tập. Nghĩ về những điều có thể làm cho đất nước lúc này Phương Anh tâm sự: “Thiết thực nhất mà mình có thể làm lúc này để giúp bản thân và hình ảnh Việt Nam luôn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế là luôn giữ thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp trong học tập và công việc. Bên cạnh đó, mình thường xuyên mời các bạn từ các nước khác nhau cùng đi trải nghiệm các món ăn Việt Nam và chia sẻ về những nét văn hóa đẹp của nước mình.”

Ngày đầu đi làm tại trường song ngữ Canada.

Ngày đầu đi làm tại trường song ngữ Canada.

Thuyết trình về phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ tại Việt Nam cùng các bạn quốc tế.

Thuyết trình về phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ tại Việt Nam cùng các bạn quốc tế.

Cùng các bạn đồng nghiệp đi trải nghiệm ẩm thực Việt Nam.

Cùng các bạn đồng nghiệp đi trải nghiệm ẩm thực Việt Nam.

Qua những trải nghiệm tại Canada và công việc đang làm, Phương Anh mong muốn kết nối, giới thiệu học sinh và sinh viên Việt Nam tới với những chương trình trải nghiệm văn hóa kết hợp học tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là chương trình nhằm tạo cơ hội cho mọi người có những trải nghiệm mới đầy thú vị tại một quốc gia đa văn hóa và học hỏi từ những góc nhìn khác nhau.

Phương Anh Ghé thăm Quebec City và lâu đài Château Frontenac trong sinh nhật tuổi 22 tại Canada.

Phương Anh Ghé thăm Quebec City và lâu đài Château Frontenac trong sinh nhật tuổi 22 tại Canada.

Trong tương lai, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, Phương Anh dự định sẽ dành thêm thời gian để trải nghiệm môi trường làm việc và mở rộng kết nối với các đơn vị giáo dục tại Canada để làm tiền đề cho những ấp ủ, dự định khi cô trở về Việt Nam.

Lưu Hồng Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chuong-trinh-hoc-vuot-cap-da-mo-ra-nhieu-co-hoi-moi-cho-nu-sinh-ulis-post1584536.tpo