Chương trình khuyến công quốc gia: Luồng sinh khí mới phát triển công nghiệp nông thôn

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện, công tác khuyến công quốc gia đã mang lại bộ mặt mới cho nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động tại địa phương khi các làng nghề mạnh dạn đầu tư công nghệ.

Một số mô hình CNNT tiêu biểu được trưng bày tại Hội nghị tổng kết. (Ảnh: PV)

Một số mô hình CNNT tiêu biểu được trưng bày tại Hội nghị tổng kết. (Ảnh: PV)

Một đồng ngân sách “hút” được 4 đồng đầu tư

Thông tin tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công (do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/12), ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, 10 năm qua, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).

Các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến... đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất CNNT, phát triển đời sống văn hóa - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn; Góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu ngành kinh tế; Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

Đáng chú ý, ông Trung cho biết, trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) thu hút được khoảng 4 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNT. Cụ thể, tổng kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương của 63 tỉnh, thành phố trong 10 năm (2013 - 2022) là hơn 2.535 tỷ đồng. Số vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn này là hơn 10.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thực hiện 466 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí thực hiện là 382 tỷ đồng; trong đó, NSNN bỏ ra tổng cộng 74 tỷ đồng, các cơ sở công nghiệp, nhất là CNNT đối ứng để thực hiện đổi mới các công nghệ cũng như các hoạt động khuyến công đối với DN khoảng 310 tỷ đồng.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh An Giang, các cơ sở CNNT của tỉnh này, đặc biệt là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề truyền thống đã có sự chuyển biến đáng kể về đổi mới công nghệ, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, nâng cao được chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều cơ sở CNNT đã mở rộng được thị trường tiêu thụ nội địa, tham gia vào thị trường xuất khẩu. Trình độ năng lực quản lý sản xuất kinh doanh được cải thiện cũng như thương hiệu sản phẩm ngày càng được chú trọng, quan tâm hơn.

Địa phương cần tăng ngân sách cho khuyến công

Mặc dù nguồn lực để thực hiện Chương trình khuyến công đã được quan tâm bố trí nhưng theo Cục trưởng Ngô Quang Trung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN, cơ sở CNNT trong đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương; bên cạnh đó, phần kinh phí khuyến công mà cơ sở CNNT được hỗ trợ phải tính thuế thu nhập DN, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.

Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, sau 10 năm thực thi Nghị định 45/2012/NĐ-CP, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Qua đó, đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới; Tạo ra được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất CNNT, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, công tác khuyến công vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tập trung khắc phục. Như công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với các hoạt động khuyến công đã được tăng cường, tuy nhiên công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các đơn vị liên quan ở một số địa phương đối với hoạt động khuyến công chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả…

Do đó, để bảo đảm hiệu quả hoạt động khuyến công, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về CNNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý, trong thời gian chưa có Nghị định mới về công tác khuyến công, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn NSNN và chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khuyến công; Nếu có thể thì ghép nguồn vốn khuyến công, khuyến thương để thêm nguồn lực thực hiện.

Đồng thời, các địa phương cần chủ động rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuong-trinh-khuyen-cong-quoc-gia-luong-sinh-khi-moi-phat-trien-cong-nghiep-nong-thon-post499010.html