Chương trình Lend-Lease của Mỹ: Từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến cuộc chiến Ukraina

Chiến tranh là phương thức làm giàu nhanh nhất của nước Mỹ. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Mỹ từ con nợ trở thành chủ nợ của các nước châu Âu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ trở thành cường quốc giàu mạnh nhất thế giới. Cuộc chiến tranh thế giới phức hợp với tâm điểm là Ukraina sẽ đưa Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống và có thể duy trì trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Chương trình Lend-Lease trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Chương trình Lend-Lease trong Chiến tranh thế giới thứ hai là chương trình của Mỹ cho phép các nước đồng minh chống phát xít Đức mượn - thuê vũ khí trang bị và các sản phẩm vật chất khác.

Chương trình được thực hiện trên cơ sở một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Franklin Roosevelt phê chuẩn trong tháng 3-1941 và ngay lập tức được triển khai để giúp Vương quốc Anh đối phó với các cuộc tấn công của phát xít Đức.

Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt phê chuẩn Chương trình Lend-Lease (tháng 3-1941)_Ảnh: TL

Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt phê chuẩn Chương trình Lend-Lease (tháng 3-1941)_Ảnh: TL

Đến tháng 10-1941, tại Moscow, đại diện các nước Mỹ, Liên Xô và Anh ký Nghị định thư về tương trợ lẫn nhau. Theo đó, Liên Xô sẵn sàng thanh toán các khoản mượn và thuê vũ khí trang bị của Mỹ bằng nguồn vàng dự trữ của mình. Đến tháng 11-1941, Mỹ bắt đầu triển khai Chương trình Lend-Lease với Liên Xô trong cuộc chiến với phát xít Đức.

Tính tổng cộng, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trị giá tổng sản phẩm và phương tiện chiến tranh của Mỹ chuyển giao cho các nước đồng minh mượn hoặc thuê lên tới khoảng 50 tỷ USD, trong đó Liên Xô chiếm 22%.

Đến cuối năm 1945, trị giá tổng khối lượng sản phẩm của Mỹ cho Liên Xô mượn và thuê lên tới 11,1 tỷ USD. Trong số giá trị thuê máy bay là 1,189 tỷ USD. Con số tương tự của xe tăng là 0,618 tỷ USD, ô tô - 1,151 tỷ USD, tàu thủy - 0,689 tỷ USD, pháo - 0,302 tỷ USD, đạn dược - 0,482 tỷ USD, máy công cụ - 1,577 tỷ USD, kim loại - 0,879 tỷ, lương thực và thực phẩm - 1,726 tỷ USD...

Liên Xô phải thanh toán tất cả những khoản mượn và thuê này của Mỹ bằng vàng và nguyên liệu. Trong đó, Liên Xô chuyển cho Mỹ 300.000 tấn quặng crôm, 32.000 tấn quặng mangan, một khối lượng đáng kể bạch kim, vàng và gỗ. Ngoài Liên Xô, Chương trình Lend-Lease của Mỹ còn chuyển giao sản phẩm dân dụng và quân sự cho Anh (trị giá 1,7 tỷ USD) và Canada (200 triệu USD).

Theo dữ liệu chính thức của Mỹ, đến cuối tháng 9-1945, Mỹ đã chuyển giao cho Liên Xô 14.795 máy bay, 7.056 xe tăng, 8.218 súng phòng không, 131.000 súng máy, 140 tàu chống tàu ngầm, 46 tàu quét mìn, 202 tàu phóng lôi, 30.000 đài phát thanh và nhiều loại phương tiện khác.

Vương quốc Anh nhận được từ Mỹ hơn 7.000 máy bay, hơn 4.000 xe tăng, 385 súng phòng không, 12 tàu quét mìn. Canada nhận được từ Mỹ 1.188 xe tăng. Ngoài vũ khí, Liên Xô còn nhận từ Mỹ theo hình thức cho thuê sử dụng hơn 480.000 xe ô tô, máy kéo, xe máy, tàu thủy, đầu máy xe lửa, toa xe, thực phẩm và các hàng hóa khác.

Tuy nhiên, một số hàng của quân đồng minh đã không đến được Liên Xô vì chúng đã bị hải quân và không quân Đức phá hủy trên đường vận chuyển qua biển.

Các tài liệu đã được giải mật sau Chiến tranh thế giới thứ hai chứng tỏ, Chương trình Lend-Lease bảo đảm khối lượng hàng hóa trị giá 4% tổng sản phẩm của nền kinh tế quốc dân Liên Xô, còn khối lượng vũ khí và trang bị chiếm tỷ lệ cao hơn.

Thí dụ, trong những năm chiến tranh, công nghiệp hàng không Liên Xô sản xuất 122.100 máy bay các loại và nhận 18.300 máy bay theo Chương trình Lend-Lease, nghĩa là chiếm 15% tổng số máy bay. Trong đó, máy bay ném bom của quân đồng minh chiếm 20%, máy bay chiến đấu khác chiếm 16 - 23%, máy bay của hải quân khoảng 29%.

Hơn nữa, hầu hết các máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất có tính năng chiến - kỹ thuật không thua kém các loại tương tự của quân Đức. Xe tăng của quân đồng minh chuyển giao chiếm 12% tổng sản lượng của các nhà máy xe tăng của Liên Xô (98.300 xe, bao gồm cả pháo tự hành). Xét về tính năng chiến - kỹ thuật, xe tăng của Liên Xô sản xuất, điển hình là xe tăng T-34 vượt xa các xe tăng tốt nhất của quân đồng minh.

Xe ô tô chuyển giao cho Liên Xô theo Chương trình Lend-Lease đóng vai trò không nhỏ đối với Hồng quân và nền kinh tế quốc dân Liên Xô. Quân đồng minh đã chuyển cho Liên Xô 427.000 xe ô tô, góp phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng cơ động của Hồng quân trong các chiến dịch tấn công những năm 1943 - 1945.

Đánh giá Chương trình Lend-Lease của Mỹ, I. V. Stalin - nhà lãnh đạo Liên Xô 1945 cho rằng, chương trình này đóng vai trò quan trọng và góp phần đáng kể vào cuộc chiến chống kẻ thù chung.

Còn G. Hopkins - trợ lý thân cận nhất của Tổng thống Mỹ F. Roosevelt - cho biết: “chúng tôi chưa bao giờ cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ theo Chương trình Lend-Lease là nhân tố chính làm nên chiến thắng của Liên Xô trong cuộc chiến với Hitler trên Mặt trận phía Đông mà là chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh vô cùng dũng cảm của quân đội Nga”.

Thực tế là như vậy, Chương trình Lend-Lease đóng vai trò tuy lớn nhưng không mang tính quyết định.

Quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Liên Xô sang chế độ thời chiến đã được hoàn thành trong năm đầu tiên của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Ngay từ năm 1942, ngành công nghiệp Liên Xô đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Hồng quân.

Các lực lượng vũ trang Liên Xô nhận được số vũ khí nhiều hơn 1,8 - 2,7 lần số vũ khí bị phá hủy trong các trận chiến. Đây là cơ sở vật chất bảo đảm cho Liên Xô giành chiến thắng trong các chiến dịch có ý nghĩa quyết định cục diện chiến tranh như chiến dịch Stalingrad và chiến dịch Kursk.

Trong năm 1943 - năm Liên Xô tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại - tiềm lực kinh tế và quân sự của Liên Xô đã lớn mạnh vượt bậc. Trong đó, tổng sản lượng công nghiệp quốc phòng tăng 2,9 lần.

Tiềm lực kinh tế và công nghiệp quốc phòng đã bảo đảm đầy đủ cho Liên Xô triển khai các chiến dịch tấn công của Hồng quân trong 2 năm năm 1944 - 1945. Trong đó, nhu cầu của mặt trận được đáp ứng đẩy đủ các loại đạn dược.

Nếu trong chiến dịch Moscow đông xuân 1941 - 1942, Hồng quân Liên Xô chỉ tiêu thụ 700 - 1.000 tấn đạn mỗi ngày thì vào năm 1944, chỉ tính riêng Phương diện quân Belorussia số 1 đã sử dụng 20 - 30.000 tấn đạn trong ngày.

Đương nhiên, Chương trình Lend-Lease mang lại lợi ích đáng kể cho chính nước Mỹ. Chính Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt từng nhận định rằng, Chương trình Lend-Lease là một khoản đầu tư sinh lời.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Jones cho biết: “với Chương trình Lend-Lease chuyển giao hàng cho Liên Xô, Mỹ không chỉ thu lại được vốn mà còn thu được lợi nhuận rất lớn. Đây không phải là trường hợp đặc biệt trong quan hệ thương mại do các cơ quan chính phủ Mỹ điều hành”.

Trên thực tế, Chương trình Lend-Lease là một nguồn làm giàu cho các công ty độc quyền của Mỹ. Trong lời giới thiệu cuốn sách viết về sự chi viện cho Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà sử học người Mỹ J. Herring viết: “Chương trình Lend-Lease không phải là hành động vị tha trong lịch sử nhân loại mà chỉ là hành động ích kỷ có tính toán và người Mỹ luôn hiểu rõ về những lợi ích mà họ có thể thu được từ chương trình này”.

Kể từ ngày 20-9-1945, Mỹ chấm dứt Chương trình Lend-Lease với Liên Xô. Năm 1947, khoản nợ Mỹ của Liên Xô được xác định là 2,6 tỷ USD. Mãi tới tháng 6-1990, trong cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ G. H. Bush và Tổng thống Liên Xô M. Gorbachev, hai bên thỏa thuận thời hạn cuối cùng Liên Xô trả hết nợ cho Mỹ là vào năm 2030.

Đáng chú ý là tất cả các quốc gia nhận viện trợ theo Chương trình Lend-Lease đều khẳng định chương trình này tuy quan trọng nhưng không đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến đánh bại phát xít Đức, mà chính là vai trò của Hồng quân Liên Xô.

Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraina, ngày 11-2-2022_Ảnh: AFP/TTXVN

Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraina, ngày 11-2-2022_Ảnh: AFP/TTXVN

Chương trình Lend-Lease dành cho Ukraina

Dự luật viện trợ quân sự vì nền dân chủ của Ukraina được Thượng viện Mỹ thông qua trong tháng 1-2022 - nghĩa là trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Đến tháng 4-2022, cả 2 viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật này.

Ngày 9-5-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký phê chuẩn dự luật này thành “Đạo luật năm 2022 viện trợ quân sự vì nền dân chủ của Ukraina”, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina.

Đạo luật này trao cho Tổng thống Mỹ quyền ký kết các thỏa thuận với Chính phủ Ukraina về việc cho mượn hoặc cho thuê sản phẩm quốc phòng để bảo vệ dân thường trong điều kiện chiến tranh và phục vụ các mục đích khác.

Theo Chương trình Lend-Lease dành cho Ukraina, chính quyền Kiev được nhận vũ khí và trang bị của Mỹ theo hình thức tín dụng và tổng số tiền Ukraina phải trả sẽ được thanh toán sau khi chiến tranh kết thúc. Thực thi Đạo luật này, ngày 21-5-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký phê chuẩn gói viện trợ khẩn cấp cho Ukraina trị giá 40 tỷ USD.

Tính đến tháng 10-2023, tổng khối lượng viện trợ của Mỹ cho Ukraina trong 2 năm 2022 - 2023 lên tới 75,4 tỷ USD, trong đó 46,33 tỷ USD là viện trợ quân sự, 26,37 tỷ USD viện trợ kinh tế, 2,71 tỷ USD viện trợ nhân đạo.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy vận tải của quân đội Mỹ (USTRANSCOM), Mỹ đã cung cấp cho Ukraina 23.800 tấn vũ khí và thiết bị quân sự; 24.000 tên lửa chống tăng có điều khiển; 1.033 hệ thống tên lửa phòng không và 1.468 tên lửa đi kèm (trong đó có 5 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot với 40 bệ phóng, mỗi bệ phóng có 4 - 16 tên lửa có khả năng đánh chặn các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay ở độ cao lớn); hàng chục hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao M142 (HIMARS); 31 xe tăng M1A1 Abrams; 90 hệ thống pháo với 174.173 đạn pháo; 9 máy bay trực thăng; 33 trạm radar; 7.888 súng máy và khoảng 60 triệu viên đạn cho súng bộ binh; 68.500 áo giáp và 50.000 mũ chống đạn; hàng nghìn bom và đạn chùm; máy bay chiến đấu F-16.

Như vậy, Chương trình Lend-Lease của Mỹ đã biến cuộc chiến Ukraina thành cuộc chiến tranh thế giới phức hợp (World Hybrid War)./.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuong-trinh-lend-lease-cua-my-tu-chien-tranh-the-gioi-thu-hai-den-cuoc-chien-ukraina-712799.html