Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Làm rõ hơn căn cứ xác định các nguồn vốn thực hiện

Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, các xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; làm rõ thêm căn cứ để xác định các nguồn vốn, khả năng bố trí vốn và khả năng giải ngân, lộ trình thực hiện...

Các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Bến Tre, Quảng Trị cơ bản nhất trí sự cần thiết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, đánh giá cao sự đầu tư, nghiên cứu, xây dựng Chương trình của Chính phủ với 7 nhóm mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể, 10 nội dung thành phần, 135 chỉ tiêu, 42 nhiệm vụ cụ thể và 186 hoạt động chi tiết thực hiện trong hai giai đoạn 2025 - 2030 và 2030 - 2035.

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đề nghị làm rõ thêm căn cứ xác định các nguồn vốn thực hiện Chương trình

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đề nghị làm rõ thêm căn cứ xác định các nguồn vốn thực hiện Chương trình

Nêu quan điểm về các nội dung cụ thể, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) bày tỏ vẫn còn nhiều băn khoăn. Cụ thể, ở lĩnh vực văn hóa đang lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu hiện hữu, nhiều chương trình đề án khác. Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra thì đối với dự án, đề án khác liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia đề nghị giữ nguyên. "Nhưng nếu giữ nguyên thì phải xác định trong Chương trình này đối với các dự án, hoạt động có sự trùng lặp, chồng lấn hay không? Cần làm rõ vấn đề này".

Dẫn quy định tại Khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nhận thấy, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, cụ thể trong phạm vi cả nước.

E ngại Chương trình còn dàn trải, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá, xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư Chương trình. Cần xem lại các mục tiêu cụ thể của Chương trình một cách kỹ lưỡng, thận trọng, thực hiện cho “ra tấm, ra món”, chặt chẽ hơn trong giai đoạn này.

Về kinh phí thực hiện, tổng số dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình là 256.000 tỷ đồng chia làm hai giai đoạn. Đây là nguồn kinh phí khá cao so với các Chương trình mục tiêu đang thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ thêm căn cứ để xác định các nguồn vốn; khả năng bố trí vốn, khả năng giải ngân của Chương trình và có lộ trình cụ thể.

Theo ĐBQH Đặng Xuân Phương (Quảng Ninh), cần quan tâm việc quản lý, phát huy giá trị của di sản

Theo ĐBQH Đặng Xuân Phương (Quảng Ninh), cần quan tâm việc quản lý, phát huy giá trị của di sản

Liên quan đến quản lý, khai thác và phát huy giá trị của di sản, ĐBQH Đặng Xuân Phương (Quảng Ninh) cho rằng, đây là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt là với những di tích văn hóa lịch sử, cách mạng. Bên cạnh đầu tư xã hội hóa thì nguồn lực của Nhà nước cũng rất quan trọng để hoàn thiện các hồ sơ di sản, từ đó góp phần làm giàu vốn văn hóa, củng cố cơ sở khoa học, cũng như củng cố luận cứ để phát triển kinh tế di sản.

Trong Chương trình đã đề ra giải pháp rất thiết thực và cũng thấy được tiềm năng để quy hoạch lại các khu vực phát triển di sản cũng như đô thị di sản; trong đó di sản phải có mối liên hệ chặt chẽ với công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, "chỉ tiêu phát triển công nghiệp văn hóa như nghệ thuật biểu diễn vẫn còn khiêm tốn". Nêu nhận định này, đại biểu Đặng Xuân Phương dẫn chứng, một show trình diễn của Taylor Swift tại Singapore đã có doanh thu gần 1 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu 31 triệu USD. Con số khiêm tốn như vậy là do liên quan đến thiết chế về hạ tầng kỹ thuật chưa đạt chuẩn.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị, nguồn lực nhà nước cũng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải vào những vấn đề cụ thể; đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành có định hướng phát triển du lịch, phát triển văn hóa.

ĐBQH Võ Văn Hội (Bến Tre) tham gia đóng góp ý kiến

ĐBQH Võ Văn Hội (Bến Tre) tham gia đóng góp ý kiến

Cơ bản thống nhất với các ý kiến, ĐBQH Võ Văn Hội (Bến Tre) đề xuất thêm, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần gắn kết với các chương trình khác như nông thôn mới, giảm nghèo, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, phải có sự quan tâm kinh phí để bảo đảm xây dựng, trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử mang tính chất giáo dục, Nhà nước cần có nguồn lực để bảo đảm vấn đề này.

Tin và ảnh: Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-lam-ro-hon-can-cu-xac-dinh-cac-nguon-von-thuc-hien--i374962/