Chương trình Nông thôn mới thay đổi diện mạo nông thôn xứ Thanh

Chương trình Nông thôn mới (NTM) đã được triển khai sâu, rộng ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thay da đổi thịt vùng nông thôn xứ Thanh. Những người nông dân được trang bị kiến thức, sự tự tin, thích ứng với thời đại để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng có chỗ đứng trên thị thường.

Chương trình NTM tạo không khí mới cho nông thôn

Chương trình NTM tạo không khí mới cho nông thôn

Tiếp tục phát huy kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2022, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố bám sát hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh có 445 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 388 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 01 sản phẩm 5 sao của 331 chủ thể OCOP (72 doanh nghiệp, 100 HTX, 9 tổ hợp tác, 150 hộ sản xuất, kinh doanh), trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố; trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%).

Năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và các sở, ngành có liên quan tham mưu tổ chức nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị: Co.opmart, Big C, và tại các tỉnh: Nghệ An, Nam Định, Yên Bái, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Sơn La, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế; định kỳ hàng năm tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của thành phố Sầm Sơn…. Phần lớn các sản phẩm OCOP đều được quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Posmart.vn, lazada, shopee, tiki,...

Sản phẩm OCOP xứ Thanh ngày càng khẳng định được thương hiệu

Sản phẩm OCOP xứ Thanh ngày càng khẳng định được thương hiệu

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025, các cấp, ngành đã tập trung tổ chức tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá, hợp tác, tổ chức nhiều chương trình du lịch kết hợp với giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền. Trong năm 2023, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cũng đã tổ chức 02 lớp tập huấn Chương trình phát triển du lịch nông thôn năm 2023 cho chủ cơ sở và người lao động du lịch nông thôn.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 70% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu đến năm 2025.

Nổi bật, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 14 thôn thông minh thuộc các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó, các thôn đều ứng dụng chuyển đổi số thực hiện các nội dung về xây dựng NTM; xây dựng hoàn thành 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số (xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn; xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa; xã Đông Khê, huyện Đông Sơn).

Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025, các sở, ngành và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động thực hiện có hiệu quả cao. Trong đó có xử lý, phân loại rác thải, bảo vệ môi trường. Thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn… Năm 2023 tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt khoảng 97,5% (tăng 0,5% so với năm 2022), trong đó tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ước đạt khoảng 62%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới năm 2023. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, tạo chuyển biến tích cực, bền vững về tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa đã nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Quy hoạch xây dựng vùng huyện trong tỉnh đạt 100%.

Phát triển du lịch xanh trong xây dựng NTM

Phát triển du lịch xanh trong xây dựng NTM

Người dân là trung tâm trong quá trình xây dựng NTM

Người dân là trung tâm trong quá trình xây dựng NTM

Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch và thực trạng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch sử dụng đất và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, cấp huyện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng tiêu chí NTM.

Năm 2023, cùng với nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM và các nguồn vốn khác các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên 4.583 km đường giao thông nông thôn; 1.368 km giao thông nội đồng; 156 km kênh mương và rãnh thoát nước; 129 công trình thủy lợi; 1.096 phòng học các cấp; 523 km đường điện, 102 trạm biến áp; xây dựng mới và chỉnh trang trên 15.900 nhà ở dân cư…

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP. Mặc dù chịu tác động bất lợi của suy thoái kinh tế, tình hình lạm phát gia tăng, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn phát triển khá toàn diện. Nhiều sản phẩm xuất khẩu đi thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản…

Ước năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 62 nghìn lao động, vượt 6,9% kế hoạch (có khoảng 14 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, gấp 2,8 lần kế hoạch). Đã cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 1.697 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 27.769 lao động. Các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 ước còn 3,59%, giảm 1,4% so với năm 2022. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 ước đạt 92,5%, đạt kế hoạch. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm thực hiện; các chương trình, chính sách dân tộc, tôn giáo được triển khai kịp thời, có hiệu quả; đã tập trung triển khai chính sách cấp đất và hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo còn sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh.

Công tác giáo dục được các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy trong trường học theo hướng chuẩn Quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đến nay toàn tỉnh có 442/469 xã có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao; 365/469 xã đạt tiêu chí về văn hóa, đạt tỷ lệ 77,8%; 3.698/3.835 thôn, bản có nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản, đạt tỷ lệ 96,4%. Có thêm 07 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công tác bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan sáng-xanh-sạch, đẹp tiếp tục được các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và của UBND tỉnh. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đã và đang dần đi vào nề nếp; đã quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư,

Tính tới ngày 30/11/2023, toàn tỉnh đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 360 xã và 702 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 90 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 xã và 384 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 445 sản phẩm OCOP được công nhận. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Ước thực hiện đến hết năm 2023, toàn tỉnh có thêm 01 đơn vị cấp huyện (100% KH), 17 xã (100% KH), 60 thôn bản (100% KH) đạt chuẩn NTM; 33 xã (150% KH) đạt chuẩn NTM nâng cao; 8 xã (100% KH), 99 thôn bản (165% KH) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 153 sản phẩm OCOP (127,5% KH). Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Tùng Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chuong-trinh-nong-thon-moi-thay-doi-dien-mao-nong-thon-xu-thanh-409674.html