Chương trình OCOP - nâng tầm giá trị cho nông sản

Phát huy lợi thế với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng giá trị các sản phẩm nông sản, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển.

Khai thác tiềm năng

Sơn La hiện có gần 200 sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP, tỉnh đã ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP; các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế để đưa vào đề án chung của tỉnh. Nhiều địa phương đã chủ động mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế; tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình OCOP.

Sau gần 4 năm triển khai chương trình, đến nay toàn tỉnh có 83 sản phẩm OCOP, trong đó, có 51 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hội Nông dân tỉnh.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hội Nông dân tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh về thương mại, thế mạnh của các HTX, doanh nghiệp.

Với nhiều chủ thể, những nỗ lực và cố gắng ban đầu khi xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo nền tảng giúp các đơn vị, doanh nghiệp từng bước nâng giá trị nông sản địa phương. Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao (Thành phố), chia sẻ: Từ vùng nguyên liệu cà phê ở địa phương, HTX đã ứng dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và lên ý tưởng nâng cao giá trị cho nông sản thông qua việc chế biến sâu. Hiện nay, sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX đã đạt chứng nhận OCOP quốc gia 5 sao, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong nước.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn tre Sơn La, thông tin: Chúng tôi luôn xác định, sản phẩm trọng tâm phải dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, từ đó vạch ra hướng đi cụ thể để phát triển thành sản phẩm OCOP. Năm 2020, Công ty đã tham gia 3 sản phẩm và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, là cốc tre, ống hút tre và bộ dao thìa dĩa tre Gia Phát. Đó là động lực để Công ty mạnh dạn đưa các sản phẩm ra thị trường. Hiện, Công ty đã có 70 đại lý tại nhiều tỉnh, thành và chiếm lĩnh khoảng 60% thị phần trong nước, đồng thời, xuất khẩu sang Ấn Độ, Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng, Công ty cung cấp ra thị trường hàng chục triệu ống hút tre, cốc tre và bộ dao dĩa các loại.

Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh ta thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, tuần hàng trong và ngoài tỉnh để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng 10 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Thành phố và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ, thiết lập mối quan hệ hợp tác, thống nhất phát huy thế mạnh, nhằm tuyên truyền, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của 2 tỉnh đến với thị trường... Qua kết nối tiêu thụ, đã tạo điều kiện cho nhiều đơn vị sản xuất trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống các cửa hàng phân phối hiện đại, như: Trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP...

Sản phẩm quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đã giúp người tiêu dùng biết và tìm hiểu, ưu tiên lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP của Sơn La. Qua khảo sát đánh giá, 100% các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng từ 15% trở lên, có sản phẩm tăng hơn 2 lần, cá biệt có sản phẩm tăng 4-5 lần. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu, như: sản phẩm cà phê của HTX cà phê Bích Thao; các sản phẩm cà phê của Công ty cà phê Phúc Sinh; ống hút tre của Công ty cổ phần tập đoàn tre Sơn La đã xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài...

Bà Lương Thị Thanh, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Quyết Thanh, huyện Mộc Châu cho biết: HTX hiện có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, là hồng giòn sấy dẻo, mận sấy dẻo, xoài sấy dẻo, chuối sấy dẻo. Từ khi các sản phẩm của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP, doanh số bán hàng của HTX tăng trên 50%. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Còn ông Lê Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty Bảo Lâm Sơn La, huyện Bắc Yên, cho biết: Sản phẩm tinh dầu xả của Công ty đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.

Tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm

Giai đoạn 2022-2030, tỉnh Sơn La phấn đấu có từ 150-200 sản phẩm OCOP; trong đó, 100-120 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao cấp tỉnh; 20-25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3-5 sao cấp quốc gia; 100% các xã đăng ký tham gia vào chương trình OCOP.

Sản phẩm cà phê HTX Ara-Tay coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022.

Sản phẩm cà phê HTX Ara-Tay coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, HTX. Xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, hệ thống hỗ trợ chương trình OCOP; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức; triển khai xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP...

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cán bộ, nhân dân, đặc biệt là các HTX có ý thức trong việc đăng ký xây dựng các sản phẩm tham gia chương trình. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX những phần việc còn yếu để có thêm nhiều sản phẩm OCOP.

Là một trong những đơn vị đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, năm 2022, HTX Ara-Tay coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn đang được các đơn vị chuyên môn của huyện và tỉnh tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX, cho biết: HTX thành lập cuối năm 2019 với 14 thành viên. Năm 2021, HTX Ara-Tay coffee đã ký hợp đồng tiêu thụ được 14 tấn sản phẩm cà phê nhân với các đối tác tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và khu vực Tây Nguyên. Năm nay, tham gia chương trình OCOP, HTX đăng ký sản phẩm cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh với mong muốn các sản phẩm của HTX được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi hơn, tạo lợi thế để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường.

Mô hình trồng nấm linh chi của Công ty TNHH Mạnh Thắng, huyện Mai Sơn.

Mô hình trồng nấm linh chi của Công ty TNHH Mạnh Thắng, huyện Mai Sơn.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Những kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng vững chắc để các sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuong-trinh-ocop--nang-tam-gia-tri-cho-nong-san-49150