Chương trình OCOP tạo động lực phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống
Những năm qua, tỉnh ta đã dành nguồn lực cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, biến đổi gen; bảo tồn, lưu giữ và khai thác các nguồn giống gen quý hiếm để phục vụ nhu cầu sản xuất. Đây là 'Chìa khóa' để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong 10 năm qua, các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh đã triển khai khoảng 60 nhiệm vụ, đề tài, đề án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng thử nghiệm các giống mới cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh bất lợi; xây dựng và đưa vào sản xuất bộ giống hợp lý có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch; tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, môi trường và có khả năng nhân rộng.
Ông Vương Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thông tin: Trung tâm đang quản lý, chăm sóc 0,7 ha vườn chè Kim Tuyên đầu dòng và hàng nghìn cây giống xoài, nhãn chín muộn PH-M99-1.1, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ lamb hass. Hằng năm, Trung tâm đã nghiên cứu nhu cầu thị trường, sản xuất cây giống đạt chuẩn, chất lượng cao được tuyển chọn nguồn giống từ các cây đầu dòng đã được cơ quan chuyên môn công nhận; với các giống đào, mận chưa có cây đầu dòng được công nhận thì sẽ tuyển chọn từ các cây chất lượng tốt để lai ghép.
Với mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình tuyển, thẩm định công nhận 193 cây ăn quả và cây công nghiệp đầu dòng, gồm 187 cây ăn quả các loại, như bơ, xoài tròn, xoài GL4, thanh long, bưởi đỏ, bưởi da xanh, nhãn, mận, hồng tại các huyện Mộc Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Vân Hồ; bình tuyển, công nhận 4 vườn cây đầu dòng, gồm 2 vườn nhãn chín muộn, 1 vườn xoài GL4 và 1 vườn lê tai nung, nhằm đảm bảo cung cấp cây giống phục vụ sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có trên 87.000 ha cây ăn quả; trong đó, thực hiện ghép cải tạo khoảng hơn 13.000 ha cây ăn quả các loại từ vườn cây giống địa phương sang các giống nhãn chín muộn; xoài GL4, GL6, Thái Lan; bơ Booth7, bơ read; chanh leo Đài nông; hồng giòn MC1, Thái Lan; bưởi diễn, da xanh, Tân Lạc; đào (Pháp, Mỹ, Hải Phòng); na Thái, na sầu riêng... Nhiều mô hình cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, như: Chanh leo tím và bơ ghép đạt 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; na hoàng hậu ghép 1 tỷ đồng/ha...
Các loại cây lương thực, cây công nghiệp đưa vào sản xuất được triển khai các bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng, như: 4 giống mía; 19 giống ngô; 5 giống lúa; 20 giống cây ăn quả các loại; 2 giống chè; 1 giống cà phê THA1... Những giống cây trồng mới có nhiều ưu điểm, chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, đảm bảo hàm lượng đường, tinh bột phục vụ chế biến tinh bột sắn, mía đường, kéo dài thời gian thu hoạch giúp việc sản xuất, chế biến hiệu quả cao hơn.
Ông Dương Gia Định, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đánh giá: Việc lựa chọn, áp dụng một số giống cây trồng mới theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Trong quá trình thực hiện, ngành chức năng đã đánh giá kỹ lưỡng cả mặt được và chưa được đối với nhiều yếu tố, đặc biệt là quy trình thâm canh và chất lượng sản phẩm, chủ động thẩm định và loại bỏ một số giống cây, con không phù hợp. Các giống cây trồng mới được chọn đều có chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn so với giống cũ, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Việc lựa chọn một số giống cây đầu dòng và cây trồng mới là cơ sở để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng cây trồng và làm thay đổi tư duy trong sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông hộ và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, góp phần liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn, chuyên canh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 20 tổ chức khoa học công nghệ hoạt động, gồm: Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (Trường đại học Tây Bắc), Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao Trường cao đẳng Sơn La, Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông, lâm nghiệp Tây Bắc (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi Phía Bắc), Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ).