Chương trình số 03-CTr/TU: Tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội
Sáng 10/1, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025' (Chương trình số 03-CTr/TU) đã tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU; các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện…
Cơ bản hoàn thành một số chỉ tiêu lớn
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, trong năm 2023 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, Ban chỉ đạo đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chủ trì thực hiện. Qua đó, kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ về đầu tư, bố trí nguồn vốn, thực hiện các công tác hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông; rà soát chỉ tiêu đầu tư xây dựng chợ và phát triển khu Outlet quy mô lớn. Phân công cụ thể cho các đơn vị có liên quan đến nguồn vốn để thực hiện đấu thầu lại và thi công các hạng mục còn lại của gói thầu số 3 Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và các nội dung khác có liên quan đến dự án.
Đến nay đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4 chỉ tiêu lớn. Trong đó, hoàn thành 3 Trung tâm thương mại: Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm, Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm, Lotte Mall tại Tây Hồ.
Hoàn thành chỉ tiêu với 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; Không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Hiện nay, Ban chỉ đạo đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: Khu phố kinh doanh dịch vụ, đi hộ hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; tiếp tục triển khai Đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Với chỉ tiêu “Triển khai đầu tư xây dựng 1 Tháp trung tâm tài chính”, đến nay, Tháp trung tâm tài chính nằm trong khu đô thị thông minh phía Bắc sông Hồng được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 6630/QĐ-UBND; chức năng là trung tâm tài chính, thương mại, hỗn hợp; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD.
Về chỉ tiêu “Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh”, đã cơ bản hoàn thành Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết và đang điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Thành phố thông minh; đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu đô thị Đông Anh.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc với một số chỉ tiêu khó
Theo cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU, hiện có 5 chỉ tiêu khó, vướng mắc cần các giải pháp tháo gỡ như: Chỉ tiêu “Hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ”, tiến độ thực hiện còn chậm.
Hiện Sở Xây dựng đang yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cải tạo hè phố kết hợp với hạ ngầm các đường dây cáp, điện lực, viễn thông theo cấp độ 2 và cấp độ 3; đồng thời tổng hợp nguồn vốn đề xuất thực hiện, gửi Sở KH&ĐT để được hướng dẫn thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, đến nay Sở Xây dựng chưa nhận được báo cáo của đầy đủ các đơn vị.
Với chỉ tiêu “Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35%” cũng rất khó, đến nay chưa đạt 20%, vì TP Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến đường sắt trên cao. Một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên tiến độ còn chậm do liên quan đến quy trình và thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt đối với các dự án dự kiến sử dụng vốn ODA phải qua nhiều bước, xin ý kiến nhiều cơ quan. Đối với phương tiện công cộng truyền thống như xe bus khó trong tiếp cận thêm nhiều tệp khách hàng mới do thời gian đợi xe và di chuyển bị kéo dài đặc biệt trong khung giờ cao điểm, biểu đồ vận hành xe chưa đảm bảo.
Ngoài ra, chỉ tiêu “Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%”, tính đến tháng 12-2023, tỷ lệ nước thải đô thị đạt 30,9 %. Để hoàn thành chỉ tiêu Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55% phụ thuộc vào việc hoàn thành dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Đây là Dự án còn một số khó khăn, vướng mắc đang được UBND TP, các sở ngành tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ...
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành KH&ĐT, Công Thương, Giao thông Vận tải, Ban quản lý Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp TP, Điện lực TP; các quận, huyện Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông, Gia Lâm… đã trao đổi, đề xuất một số giải pháp cho các chỉ tiêu khó.
Trong đó, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch, thành phố đang triển khai 5 dự án nguồn và tích cực đôn đốc 10 đơn vị triển khai cấp nước cho các xã còn lại trên địa bàn TP theo hình thức xã hội hóa, thời gian thực hiện hoàn thành giai đoạn 2023-2025. Đến hết năm 2023, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho TP đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày-đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Khu vực nông thôn, đã có 289/413 xã (khoảng 90%) người dân được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của TP. Đến nay, các vướng mắc trong cấp nước sạch cho người dân đều đã được giải quyết, bảo đảm tới đầu năm 2025 sẽ hoàn tất các chỉ tiêu về nước sạch đã cam kết thực hiện tại chương trình.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến hết năm 2023 đạt 19,5% (510 triệu lượt khách), trong khi Chương trình 03 đặt chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%. Đây là chỉ tiêu rất khó khăn bởi các vướng mắc trong hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị, buýt BRT và mạng lưới xe buýt công cộng.
Về đường sắt đô thị, đến nay, thành phố Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành tuyến 2A và đang thi công xây dựng 2 tuyến (tuyến 2.1 và tuyến 3.1) với chiều dài 37km/417,8km tổng chiều dài toàn hệ thống theo quy hoạch. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên tiến độ còn chậm.
Trong khi đó, đối với phương tiện công cộng truyền thống như xe buýt không tiếp cận được thêm nhiều khách hàng do thời gian đợi xe và di chuyển bị kéo dài, đặc biệt trong khung giờ cao điểm, biểu đồ vận hành xe chưa đảm bảo. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của TP đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.
“Năm 2024, sẽ có “mảnh ghép” quan trọng cho giao thông công cộng là xe đạp công cộng. Sắp tới, ngoài phục vụ xe đạp công cộng tại các ga đường sắt và quận trung tâm, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai 2 đường dành riêng cho xe đạp công cộng là tuyến dọc đường Láng và đường xung quanh công viên Hòa Bình”- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết.
Ngành điện lực TP nêu khó khăn về nguồn vốn để hạ ngầm 220 tuyến phố với 1.800 tỷ và đề xuất được vay mốt số nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của TP để thực hiện hạ ngầm theo kế hoạch. Các đơn vị cũng đề nghị phân cấp cho cấp quận, huyện thực hiện xây dựng các công viên, vườn hoa… bằng vốn đầu tư công....
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản - Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU nhận định, chỉ tiêu khó hiện nay là vận tải hành khách công cộng. Mục tiêu đặt ra vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 đến 35% là với điều kiện đưa vào vận hành 4 tuyến đường sắt đô thị, nhưng đến nay mới có 1 tuyến được vào vận hành, đã tạo ra những khó khăn trong đạt được tỷ lệ Chương trình đã đề ra. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư nguồn hệ thống xe buýt công cộng vốn có hạn, giá vé không tăng… nên các ngành cần có giải pháp tính toán khả thi trong thời gian tới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng chỉ ra, hệ thống dự án xử lý nước thải còn chậm, không đẩy nhanh tiến độ các gói thầu cũng tạo ra khó khăn hoàn thành chỉ tiêu. Do đó, đề nghị các sở, ngành cùng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn.
Đối với các chỉ tiêu khác, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU đề nghị các đơn vị rà lại kế hoạch năm 2024, triển khai thực hiện “rốt ráo” các việc, để Ban Chỉ đạo có kế hoạch phân công kiểm tra cụ thể. Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự UBND TP và các cấp, các ngành ưu tiên nguồn lực cho các dự án nằm trong Chương trình số 03 của Thành ủy. Các ngành tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế trong việc triển khai cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ; điều chỉnh định mức, đơn giá về môi trường, thoát nước, cây xanh… nhằm phù hợp hơn với thực tiễn triển khai.
Rà soát lại các chỉ tiêu, quyết liệt thực hiện
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU biểu dương các thành viên Ban Chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm rất cao, đã quyết liệt, sâu sát trong triển khai các nhiệm vụ, cùng với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, địa phương đã tạo kết quả đạt tốt trong triển khai Chương trình.
"Trong kết quả nổi bật có thể kể đến một số dự án chỉnh trang đô thị được hoàn thiện, tạo diện mạo đô thị hiện đại, đẹp hơn như: Nhà hát Hồ Gươm, tuyến phố Trần Nhân Tông, biệt thự tại đường Trần Hưng Đạo… Cùng với đó, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải; xây dựng đồng bộ về cơ chế chính sách để triển khai thực hiện Chương trình" - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định.
Với những hạn chế, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU yêu cầu Sở Xây dựng với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá thật kỹ, sát hơn từng chỉ tiêu; nhìn nhận rõ từng tồn tại, tiến độ chậm của từng dự án, công trình.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là những chỉ tiêu còn khó khăn để quyết liệt thực hiện. Trong đó tập trung các nhiệm vụ như: hạ ngầm đường dây điện trên các tuyến phố; hỉnh trang đô thị; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị; xử lý nước thải; xây dựng chợ, outlet; cải tạo chung cư cũ… "Việc chỉnh trang đô thị phải lan tỏa đến tận cơ sở, từng địa phương phải cùng vào cuộc để xây dựng từng tuyến phố, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp"- Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Đồng thời cho biết, đối với các cơ chế chính sách, các sở ngành cùng rà soát, tổng hợp các vướng mắc để đề xuất Ban Chỉ đạo TP chỉ đạo kịp thời.