Chuột chũi trụi lông cần CO2 để sống sót

Chuột chũi trụi lông vốn dĩ là loài kỳ lạ, và giờ đây giới khoa học phát hiện thêm một điểm lạ nữa ở chúng.

Loài này sống dưới lòng đất theo bầy đàn để giữ ấm, vì chúng là động vật máu lạnh với nhiệt độ cơ thể lớn tùy thuộc vào môi trường (khác con người sở hữu khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định). Môi trường mà chuột chũi trụi lông sinh sống có rất ít oxy và nhiều CO2 - loại khí mà đa số động vật đều thải ra. Thế nhưng một nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Current Biology chỉ ra loài này cần CO2 để sống sót.

Chuột chũi trụi lông là động vật có vú máu lạnh duy nhất - Ảnh: World Land Trust

Chuột chũi trụi lông là động vật có vú máu lạnh duy nhất - Ảnh: World Land Trust

Theo nghiên cứu do 8 nhà khoa học đến từ Đại học New York (Mỹ) cùng Đại học Helsinki thực hiện, CO2 kìm hãm hoạt động não bộ, đồng thời ngăn ngừa chuột bị co giật. Họ phát hiện chúng thường tập trung đến khu vực tổ có nồng độ CO2 cao nhất.

Lý do nằm ở một đột biến gien, chuột chũi trụi lông thiếu cơ chế giúp kiểm soát hoạt động điện của não. Cơ chế này tiên tốn rất nhiều năng lượng, vì vậy bằng cách dựa vào CO2 chúng có thể tiết kiệm số năng lượng quý giá. Đột biến như vậy rất hữu ích cho một loài sống dưới lòng đất, nhưng nếu lượng CO2 trong tổ quá thấp hoặc nếu mạo hiểm ra khỏi tổ lên mặt đất thì chuột sẽ đối mặt với nguy cơ bị co giật.

Trang Live Science cho biết một số người cũng có đột biến gien như của chuột chũi trụi lông, khiến họ cũng dễ bị động kinh. Giới khoa học xem chuột chũi trụi lông là đối tượng động vật lý tưởng để nghiên cứu về vài hình thức động kinh ở người.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuot-chui-trui-long-can-co2-de-song-sot-234519.html