Chuột trong đời sống của người Xá Phó

Đối với nhiều dân tộc, chuột là loài vật có hại vì hay phá hoại mùa màng, làm ảnh hưởng tới đời sống của con người nhưng với người Xá Phó ở Lào Cai, đây là con vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thường được sử dụng làm lễ vật dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết và làm sính lễ đón dâu.Lễ vật trên mâm cúng ngày Tết

Ông Lý Ngọc Sáng, nghệ nhân dân gian ở thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai cho biết: Từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, người Xá Phó chọn ngày tốt, giờ tốt (thường là giờ dần, ngày dần và ngày mão, giờ mão) để bẫy chuột vì những ngày này, chuột đi tìm thức ăn nhiều hơn.

Kinh nghiệm đánh bẫy chuột của người Xá Phó là quan sát đường đi lối lại (vết chân) của chuột trong rừng vầu hoặc cạnh nương để đặt bẫy. Họ sử dụng loại bẫy que, tuyệt đối không dùng bẫy sắt (người Xá Phó quan niệm chuột bẫy bằng kiềng sắt thì không thiêng, tổ tiên không chứng nhận và phù hộ). Khi vào rừng bẫy chuột, tất cả các thành viên trong gia đình phải kiêng, không cho người lạ vào nhà, phụ nữ không được thêu thùa, trẻ con không được nô đùa gây ồn ào… vì sợ ảnh hưởng đến người đánh bẫy. Sau khi đặt bẫy, người bẫy chuột không được về nhà mà phải ngủ ở lán. Sau 3 ngày họ sẽ đi thu bẫy, được con thú nào cũng mang về lán. Chuột dính bẫy được mang về lán mổ thịt rồi thui trên lửa. Theo tập quán, người bẫy được phép ăn thịt chuột ngay tại nương, sau đó mang về treo gác bếp để sấy khô.

Chuột được mang về lán mổ thịt rồi thui trên lửa.

Chuột được mang về lán mổ thịt rồi thui trên lửa.

Từ ngày mồng 4 Tết đến hết ngày 30 tháng Giêng, mỗi dòng họ của dân tộc Xá Phó tìm một ngày tốt để dâng mâm lễ có thịt chuột cúng tổ tiên. Ví dụ, họ Lý thường chọn ngày Thìn… Họ không quên chặt thịt chuột thành từng miếng nhỏ bày trên mâm gỗ có lót lá chuối, bên cạnh còn có 2 bát rượu hoẵng to và 4 bát rượu thường nhỏ. Nam giới ngồi ở gian chính, trước bàn thờ tổ tiên, nữ giới ngồi ở gian phía tây kế bên. Mâm cỗ bày thịt chuột, khoai sọ, bông lau, măng vầu, cơm nếp, cơm tẻ... Nếu gia chủ biết khấn thì tự khấn, nội dung đại ý như: “Một năm mười hai tháng, hôm nay gia đình chọn được ngày lành tháng tốt, dâng mâm lễ vật gồm có thịt chuột, rượu… cúng mời tổ tiên về ăn uống no say, cầu mong tổ tiên che chở phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, năm mới đi săn được nhiều chuột, mùa màng tươi tốt...”. Người Xá Phó có câu: “Chuột, lợn, gà theo tổ tiên” sẽ phù hộ cho con cháu mọi điều tốt lành là như thế.

Sính lễ đón dâu của người Xá Phó

Nghệ nhân dân gian Lý Ngọc Sáng kể rằng: Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa, nạn đại hồng thủy khiến nước dâng gần ngập trời, vạn vật và loài người trên mặt đất đều bị nhấn chìm chết, chỉ còn hai anh em người Xá Phó (anh trai và em gái) sống sót nhờ chui vào một quả bầu to. Khi nước rút, quả bầu trôi dạt vào một hang đá. Ngày này qua ngày khác, anh trai bỗng nhiên nhớ lời cuối cùng của cha mẹ dặn: “Hai anh em phải cố gắng duy trì dân tộc Xá Phó của mình”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại mà không biết làm thế nào để dân tộc mình sinh sôi. Người anh trai bèn nói với em gái cùng chia nhau mỗi người đi một ngả để tìm dân tộc mình.
Hai anh em đi mãi, cuối cùng lại quay về chỗ ban đầu. Gặp lại nhau, người anh hỏi em có gặp ai không, cô em gái lắc đầu tuyệt vọng, rồi quay sang hỏi anh trai, người anh cũng lắc đầu. Hai người quay về hang đá mà họ từng sống trong đó. Người anh trai nói với em gái muốn dân tộc tồn tại và phát triển chỉ còn cách anh em mình lấy nhau. Cô em gái không đồng ý. Người anh lại nghĩ ra cách bảo với em gái: Anh sẽ vào rừng lấy 7 chiếc lá cây ráy mang về ngăn ở giữa chỗ ngủ của hai anh em. Nếu sáng dậy, trong 7 chiếc lá này mà có 1 chiếc rách thì anh em mình sẽ lấy nhau, người em gái đồng ý.

Hai anh em ngủ cùng nhau nhưng ngăn ở giữa là 7 chiếc lá ráy. Vào một buổi sáng đẹp trời, cô gái vươn vai nhìn vào 7 chiếc lá thì thấy lá bị rách, dần dần cô thấy bụng mình cứ mỗi ngày một lớn dần. Hai người từ đó trở thành vợ chồng, nhưng chưa báo cáo được với tổ tiên, trời đất, bởi vì quá nghèo, không có gì để làm lễ. Tự nhiên có một con chuột chạy qua hang, người chồng nảy ra ý định bắt chuột để làm lễ vật báo cáo với tổ tiên, trời đất. Anh liền vồ lấy con chuột rồi khoe với vợ: Chúng ta đã có thịt chuột làm lễ vật để báo cáo với tổ tiên, trời đất, từ giờ trở đi, chúng ta đã thành vợ chồng.
Người chồng nhanh chóng làm thịt con chuột rồi sấy khô, băm ra cho vào 9 ống nứa để làm lễ vật cúng. Từ đó trở đi, đám cưới nào của người Xá Phó cũng có ống thịt chuột.

Cho đến nay, người Xá Phó ở Lào Cai vẫn giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có tục sử dụng thịt chuột trong mâm cỗ Tết và trong đám cưới. Với họ, không có thịt chuột dâng mâm lễ tổ tiên chưa phù hộ, không có thịt chuột ống nhà gái không cho đón dâu.

Nguyễn Ngọc Thanh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/chuot-trong-doi-song-cua-nguoi-xa-pho-z5n20200109132247249.htm