Chuyển biến tích cực khi lãnh đạo cấp xã không phải người địa phương

Thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương mang lại nhiều chuyển biến tích cực ở cơ sở.

Thực hiện Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương góp phần đổi mới công tác cán bộ. Trong ảnh: Đồng chí Trần Đức Khanh, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân (Nam Sách) là lãnh đạo không phải người địa phương trao tặng Huy hiệu đảng cho đảng viên

Thực hiện Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương góp phần đổi mới công tác cán bộ. Trong ảnh: Đồng chí Trần Đức Khanh, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân (Nam Sách) là lãnh đạo không phải người địa phương trao tặng Huy hiệu đảng cho đảng viên

Giải quyết nhiều việc khó

Đồng chí Nguyễn Hữu Biên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Minh (Gia Lộc) là một trong những cán bộ huyện được luân chuyển về cơ sở. Sau hơn 3 năm đồng chí Biên về công tác, theo đánh giá của lãnh đạo huyện Gia Lộc, nhiều công việc ở địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Một trong những vấn đề phức tạp trước đây ở xã là tình trạng vi phạm đất đai đã được giải quyết triệt để. Các trường hợp vi phạm đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Trong hơn một năm nay, tại địa phương không phát sinh các trường hợp vi phạm mới.

Nhiều mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, phát triển đảng viên của xã Quang Minh đến nay đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Là người công tác lâu năm tại xã, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Đồng chí Biên là Huyện ủy viên nên việc quán triệt, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của huyện ở xã nhanh chóng, thuận lợi hơn trước rất nhiều. Trước khi về xã, đồng chí là Trưởng Phòng Tư pháp huyện nên khi địa phương tổ chức, thực hiện các công việc liên quan đến quy định pháp luật cũng rất yên tâm”.

Huyện Nam Sách hiện có 5 xã có Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương. Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Sách, thực hiện chủ trương trên đã tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác cán bộ. Tại các địa phương, tình hình kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực.

“Thực tiễn cho thấy nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ được xử lý, giải quyết hiệu quả. Thực hiện chủ trương trên góp phần hạn chế được tình trạng cục bộ địa phương, bè phái, đồng thời giúp kiểm soát tốt quyền lực, giảm thiểu nguy cơ không tuân thủ sự lãnh đạo của cấp trên ở những địa phương có tình hình phức tạp”, đồng chí Vương Phúc Thành, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Sách cho biết thêm.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương sẽ góp phần giải quyết nhiều việc khó ở cơ sở. Trong ảnh: Xã Quang Minh (Gia Lộc) tổ chức xử lý trường hợp vi phạm đất đai ở thôn Đông Cầu (ảnh tư liệu)

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương sẽ góp phần giải quyết nhiều việc khó ở cơ sở. Trong ảnh: Xã Quang Minh (Gia Lộc) tổ chức xử lý trường hợp vi phạm đất đai ở thôn Đông Cầu (ảnh tư liệu)

Cần chọn đúng cán bộ

Đề án số 02-ĐA/TU ngày 15.8.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 10% số xã, thị trấn có Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương.

Bằng các giải pháp quyết liệt trong công tác cán bộ, đến nay 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (trừ huyện Bình Giang) đã vượt mục tiêu trên. Trong đó, điển hình là TP Hải Dương hiện đang có 21 trong tổng số 25 xã, phường có bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, chiếm 84%. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả phường, xã có ít nhất 1 trong 3 chức danh thường trực cấp ủy và bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. TP Chí Linh có 17 trong 19 xã, phường có bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương, chiếm 89%. Huyện Thanh Hà có 18 trong 20 xã, thị trấn có 1 trong các chức danh cán bộ chủ chốt không phải người địa phương…

Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện chủ trương trên cùng có một số vấn đề cần quan tâm. Lãnh đạo Ban Tổ chức một số cấp ủy cấp huyện trong tỉnh cho biết ở một vài nơi vẫn còn tư tưởng cục bộ địa phương, không muốn tiếp nhận, giúp đỡ cán bộ được điều động, luân chuyển về. Một số cán bộ được điều động, luân chuyển về cơ sở còn nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt. Khi đưa cán bộ không phải người địa phương về cũng có chỗ phát sinh tâm tư trong nội bộ và làm ảnh hưởng đến động lực phấn đấu của cán bộ địa phương…

Để phát huy hiệu quả, khắc phục các hạn chế trên, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo, quán triệt tuyên truyền sâu rộng chủ trương bố trí lãnh đạo không phải là người địa phương, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên. Việc điều động, luân chuyển cán bộ phải xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện, đặc biệt cần lựa chọn đúng người để phát huy khả năng của cán bộ, đáp ứng được công việc ở cấp cơ sở. Cùng với việc điều động, luân chuyển dọc, các địa phương cũng cần tăng cường luân chuyển ngang giữa các xã, phường, thị trấn. Việc có quy định, chế độ chính sách cụ thể để bảo vệ, ưu tiên những cán bộ được điều động luân chuyển về cơ sở cũng rất cần thiết.

HOÀNG BIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-cac-cap/chuyen-bien-tich-cuc-khi-lanh-dao-cap-xa-khong-phai-nguoi-dia-phuong-237557