Chuyển biến tích cực về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Nghệ An
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Nghệ An đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư tại khu vực miền núi. Những năm qua, nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng thực trạng này đã có chuyển biến tích cực.
Có giảm nhưng không đáng kể, Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 491.000 người. Đồng bào chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi cao, các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao....
Tình trạng học sinh bỏ học còn diễn ra, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn khá nặng nề ở nhiều nơi. Từ thực trạng kinh tế, xã hội nói trên nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn đáng lo ngại.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã để lại hậu quả, hệ lụy là con cái sinh ra còi cọc, không phát triển về trí tuệ, khả năng chống bệnh tật kém, nguy cơ cao mắc các bệnh dị dạng, hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, tan máu bẩm sinh Thalassemia.
Bên cạnh đó, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Đây là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và tăng tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về việc “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, nhiều năm qua Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã quyết liệt vào cuộc nhằm giảm thiểu thực trạng này.
Giai đoạn từ năm 2016-2018, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai các hoạt động thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, kết quả đã tuyên truyền cho hơn 3.769 lượt người, với 10 Hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại 8 mô hình điểm như: xã Nậm Cắn, Huồi Tụ, Tri Lễ...
Ngoài ra, Ban Dân tộc tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát cho đồng bào 2.810 quyển sổ tay tài liệu, 10.800 tờ rơi phục vụ cho công tác tuyên truyền, treo băng rôn, áp phích tại trụ sở UBND xã, nhà cộng đồng các thôn, bản.
Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19, mưa lũ, đường sá đi lại rất khó khăn nhất là ở những bản xa xôi, Ban dân tộc đã tập trung chỉ đạo với quyết tâm rất cao để phối hợp với Chi cục dân số tỉnh, Công an xã, Đồn biên phòng, Phòng dân tộc, UBND các xã...thực hiện 24 lớp, với gần 2500 người tham gia. Kết quả, trong năm 2021, tảo hôn giảm từ 372 cặp năm 2020 xuống còn 309 cặp năm 2021 (giảm 8,2% so với năm 2020).
Hôn nhân cận huyết thống giảm từ 3 cặp năm 2020 xuống còn 1 cặp năm 2021. Đặc biệt trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Sở Tư pháp Nghệ An xuống cơ sở nên việc đăng ký kết hôn trên địa bàn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được duy trì và sử dụng rộng rãi nhất là thông qua tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật bình đẳng giới... Đổi mới cách tuyên truyền.
Theo ông Vy Mỹ Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, nguyên nhân của thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; các gia đình ép con lấy vợ, lấy chồng khi còn quá trẻ (15-16 tuổi) để phụ giúp gia đình và thêm lao động làm nương rẫy.
Trình độ dân trí và ý thức pháp luật của một số nơi còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh không đến trường mà ở nhà học trực tuyến dẫn đến một số em lấy chồng sớm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn”, ông Vy Mỹ Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, do tác động của những mặt trái của cơ chế thị trường, mạng xã hội khiến nhiều em yêu nhau sớm, khi bị gia đình ngăn cấm thì ăn lá ngón tự tử... Thực trạng trên đòi hỏi công tác tuyên truyền cần phải kịp thời và linh hoạt, kiên trì hơn nữa.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan như một số cấp ủy chính quyền ở cơ sở chưa thật sự quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Đề án. Chưa áp dụng được các chế tài theo thẩm quyền được quy định trong luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, có nhiều trường hợp vi phạm chưa có biện pháp xử phạt mang tính giáo dục răn đe, dẫn đến tình trạng tào hôn và hôn nhân chậm huyết thống giảm chậm.
Để giảm thiểu tình trạng này tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ông Vy Mỹ Sơn cho biết trong thời gian tới Ban dân tộc Nghệ An sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu chung Quốc gia về thực hiện Đề án này.
“Ban dân tộc tỉnh sẽ biên soạn tài liệu mới sinh động để phục vụ công tác tuyên truyền. Thay đổi cách tuyên truyền bằng hình ảnh, video sinh động, đưa nội dung tuyên truyền vào nhà trường cấp 2, cấp 3 bán trú và nội trú để các em học sinh nhận thức rõ vấn đề này. Song song với đó là tuyên truyền cho các bậc phụ huynh để thay đổi tư duy, hành động để giảm thiểu thấp nhất thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, ông Sơn chia sẻ.