Chuyển biến trong công tác đào tạo nghề

ĐBP - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xác định công tác đào tạo nghề là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài, tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai các giải pháp, quyết liệt tháo gỡ khó khăn để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Vì vậy, trong 5 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm (việc làm mới/duy trì việc làm đã có) với thu nhập ổn định sau khi học nghề đạt mục tiêu trên 75%.

Học viên lớp Kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho trâu bò tại bản Lai Khoang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ thực hành làm gióng (chỗ tiêm) cho trâu bò.

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đến thăm lớp dạy nghề kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả tổ chức tại bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên). 35 học viên tham gia lớp học đều là những nông dân “chân lấm, tay bùn” đã quen việc đồng áng nhưng lại chưa được đào tạo kỹ thuật một cách bài bản mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Thế nhưng khi theo học lớp dạy nghề này, các học viên được giảng viên hướng dẫn nhiệt tình, theo hình thức “cầm tay chỉ việc” nên đến nay ai ai cũng cơ bản thành thục các kỹ thuật chiết, ghép cành và nắm vững kiến thức trồng, điều trị bệnh hại trên cây trồng.

Sau giờ học thực hành ghép cây, anh Lò Văn Tiên, bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn lại tranh thủ hỏi thêm giảng viên về các bệnh hại và cách trị bệnh trên cây. Khi thấy chúng tôi lại gần hỏi thăm và lắng nghe câu chuyện, anh Tiên không ngần ngại bày tỏ: “Bà con dân bản đều là nông dân, gắn bó với trồng trọt và chăn nuôi nhưng không phải ai cũng nắm được kỹ thuật, kiến thức về trồng, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại cây cối. Vậy nên, khi được tham gia lớp học này, với sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên, mình cũng như các học viên khác đã “vỡ” ra nhiều điều. Tranh thủ giờ nghỉ, mình hỏi giảng viên những kiến thức mình chưa biết, chưa hiểu. Bởi có những kiến thức mình đã được nghe, có kỹ năng đã làm thử nhưng còn nhiều thiếu sót lắm, chưa đúng kỹ thuật đâu. Với những gì tích lũy được trong lớp học này, mình dự định sẽ mở rộng vườn cây ăn quả của gia đình để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Để người dân có thêm hiểu biết, kiến thức cũng như kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Nậm Pồ đã tổ chức 7 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp trên địa bàn các xã: Nà Hỳ, Nà Khoa, Phìn Hồ, Nậm Khăn và Pa Tần với sự tham gia của hơn 240 học viên. Trong đó 04 lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò; 01 lớp kỹ thuật chăn nuôi gà đồi, vườn; 01 lớp thú y viên xã, thôn, bản và 01 lớp phi nông nghiệp (kỹ thuật xây dựng). Với sự nỗ lực của Trung tâm GDNN-GDTX và cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay, kết quả công tác đào tạo nghề huyện Nậm Pồ ước đạt 48% kế hoạch huyện và đạt 80% kế hoạch tỉnh giao.

Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, công tác đào tạo nghề đang xảy ra tình trạng là một số địa phương muốn vận động đưa lao động trên địa bàn đi làm ăn tại các công ty, doanh nghiệp dưới xuôi. Điều đó đồng nghĩa với việc tại địa phương sẽ “trống” người, công tác đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nông thôn cũng sẽ gặp khó khăn, chưa nói đến việc người dân chưa mặn mà học nghề. Vẫn biết, vận động người dân đi làm ăn xa hay học nghề đều có mục đích tốt, giúp cho bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Thế nhưng khi lao động rời khỏi địa phương cũng sẽ là một áp lực lớn cho công tác đào tạo nghề khi khó tuyển người tham gia học nghề. Mặt khác, dù có sự nỗ lực của cơ sở đào tạo nghề nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương không có sự quyết tâm, quyết liệt thì các chỉ tiêu đào tạo nghề cũng khó đạt… Vậy nên, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có được những kết quả, chuyển biến tích cực rất cần sự chung tay quyết liệt của chính quyền các địa phương và các đơn vị đào tạo nghề.

Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở GDNN, cơ sở có hoạt động GDNN, gồm: 03 trường cao đẳng, 09 trung tâm GDNN-GDTX và 02 đơn vị khác; quy mô tuyển sinh đáp ứng khoảng 8.500 - 9.000 người/năm. Tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm đạt trên 80%, một số ngành nghề đạt 100%, với mức thu nhập bình quân tăng cao.

Ông Hoàng Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; hoạt động đào tạo nghề cũng không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó. Do diễn biến của dịch bệnh mà nhiều nội dung quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung, hoạt động dạy - học phải tạm dừng. Hầu hết các trường, trung tâm GDNN được huy động làm khu cách ly y tế tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; người dạy và người học đều bị ảnh hưởng…

Mặc dù vậy, đánh giá chung kết quả đào tạo nghề thời gian vừa qua (năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022), công tác đào tạo nghề vẫn đạt được kết quả khả quan. Năm 2021, toàn tỉnh đã tuyển mới được 8.185 người, đạt 101,05% kế hoạch UBND tỉnh giao (8.100 người), tăng 1,61% so với kết quả thực hiện năm 2020. Trong đó có trên 4.800 lao động ở “khu vực nông thôn, nông nghiệp” được hỗ trợ kinh phí học nghề ngắn hạn từ các chương trình, dự án của Nhà nước. 05 tháng đầu năm 2022 tuyển sinh được trên 2.300 người. Tỷ lệ lao động có việc làm (việc làm mới/duy trì việc làm đã có) với thu nhập ổn định sau khi học nghề đạt mục tiêu trên 75%. Số lao động được các doanh nghiệp, cơ sở GDNN ở ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… tuyển sinh đào tạo và tạo việc làm tăng nhanh trong năm 2021 và những tháng gần đây.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/197357/chuyen-bien-trong-cong-tac-dao-tao-nghe