Chuyển biến trong công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Năm 2024, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm (DBTN) nguy hiểm xảy ra trên thế giới và nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tác động lớn tới tình hình kinh tế - xã hội. Trước diễn biến phức tạp của DBTN, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 22/3/2024 của UBND tỉnh về 'Phòng, chống DBTN tỉnh Nam Định năm 2024'. Mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời DBTN, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2024, 100% trẻ em sơ sinh được tiêm vắc-xin Lao (BCG).

Năm 2024, 100% trẻ em sơ sinh được tiêm vắc-xin Lao (BCG).

Phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý kịp thời

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), năm 2024 tại tỉnh ta dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt với 96 ca mắc rải rác nhưng không có trường hợp tử vong. Toàn tỉnh ghi nhận 381 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết (giảm 78,9% so với năm 2023). Các dịch bệnh lưu hành khác đều có xu hướng giảm so với các năm trước: ghi nhận 531 ca mắc chân, tay, miệng; không ghi nhận bệnh nhân dại kể từ năm 2014. Tuy nhiên, trong năm cũng ghi nhận số ca mắc sởi và ho gà tăng cao so với năm 2023, trong đó ghi nhận 22 ca sởi tại 21 xã, phường của 9 huyện/thành phố (năm 2023 chỉ ghi nhận 1 ca sởi); 27 ca ho gà tại 25 xã, phường của 8 huyện, thành phố (12 ca ho gà chưa đến tuổi tiêm chủng). Toàn tỉnh ghi nhận 2 ca viêm não Nhật Bản gồm 1 ca tại xã Giao Thanh (Giao Thủy) và 1 ca tại xã Nam Thanh (Nam Trực); 1 ca nghi mắc bệnh liên cầu lợn tại xóm Hải Tiền, xã Giao Hải (Giao Thủy).

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước diễn biến phức tạp của DBTN, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch và các bệnh truyền nhiễm, tiếp tục có phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh. Chú trọng giám sát dịch bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp cấp, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B.

Công tác tiêm chủng mở rộng cũng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai tích cực, hiệu quả. Năm 2024, tỷ lệ tiêm một số loại vắc-xin đã đạt và vượt chỉ tiêu như: Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em dưới 1 tuổi đạt 90,2% (vượt chỉ tiêu 15,2%); tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi - rubella đạt 87% (vượt chỉ tiêu 12%), tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản mũi 2 và mũi 3 đều ở mức cao (82,1% và 79,8%). Năm 2024, tỉnh triển khai 2 chiến dịch phòng, chống dịch sởi và bạch hầu; trong đó, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella đã được triển khai tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 97,7%. Tất cả các trường hợp tiêm chủng đều đảm bảo an toàn, không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm. Công tác báo cáo tiêm chủng, quản lý vắc-xin, vật tư tiêm chủng được triển khai trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đồng bộ ở tất cả các tuyến, đảm bảo quản lý chặt chẽ đối tượng, mỗi đối tượng chỉ có duy nhất một mã trên hệ thống. Chủ động, thường xuyên giám sát dịch tễ sốt rét, toàn tỉnh không có vụ dịch và tử vong do sốt rét. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục phòng chống lao, các tuyến tăng cường công tác khám phát hiện bệnh nhân, quản lý điều trị kịp thời theo phác đồ, nâng cao chất lượng điều trị. Thực hiện tốt công tác quản lý điều trị bệnh nhân phong tại cộng đồng, phát hiện sớm bệnh nhân phong đưa vào điều trị công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện năm 2024 tại các huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Giao Thủy.

Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS: phát hiện 40 người nhiễm HIV mới; 19.075 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 17 người nhiễm HIV (15 trường hợp đã điều trị trước khi có thai). 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Số trường hợp có nguy cơ cao được tiếp cận với các chương trình dự phòng HIV như điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 1.621 người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV).

Bên cạnh công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế củng cố, kiện toàn mạng lưới cán bộ chuyên trách hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Năm 2024, số bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lý điều trị là 76.562 người/101.000 bệnh nhân được phát hiện. Số bệnh nhân đái tháo đường được quản lý điều trị là 37.052/57.029 bệnh nhân được phát hiện. Số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản được quản lý điều trị là 5.161 người/22.591 bệnh nhân được phát hiện.

Chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác y tế dự phòng và phòng chống DBTN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đồng chí Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phan Văn Tùng: Biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt độ bao phủ cần thiết và sự biến chuyển liên tục của các tác nhân gây bệnh là nguyên nhân dẫn đến bùng phát bệnh dịch, bệnh tái nổi, mới nổi. Giai đoạn Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2025 sắp tới, nhu cầu giao thương, du lịch của người dân tăng cao cùng với thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh nguy hiểm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền. Nguồn cung vắc-xin dự phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu, sởi, viêm não Nhật Bản và các bệnh theo mùa khác chưa đầy đủ. Nguồn kinh phí từ các dự án viện trợ đang trong giai đoạn bị cắt giảm, nguồn ngân sách địa phương cho việc thực hiện công tác y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều hoạt động y tế dự phòng, kiểm dịch chưa có định mức chi tại địa phương.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành Y tế triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về y tế dự phòng, y tế cơ sở, công tác phòng, chống dịch. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời DBTN, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, bệnh truyền nhiễm xâm nhập và lưu hành; xử lý triệt để, kịp thời khống chế không để dịch bệnh bùng phát. Bảo đảm nguồn lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống dịch. Giám sát, theo dõi, phân tích, đánh giá, nhận định, dự báo tình hình các bệnh truyền nhiễm để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch lưu hành địa phương, dịch bệnh mới nổi và tái nổi. Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tiêm chủng từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh. Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95%. Tăng cường năng lực cho cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tổ chức các chiến dịch truyền thông lan tỏa thông điệp phòng, chống dịch “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”; các chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh; duy trì phong trào “vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động Ngày Vệ sinh môi trường vào ngày 24 hàng tháng trên toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/suc-khoe/202501/chuyen-bien-trong-cong-tac-y-te-du-phongva-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-faa787a/