Chuyển biến trong phát triển hạ tầng thương mại ở miền núi
Với các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thương mại cho khu vực miền núi, những năm gần đây, nhiều huyện miền núi đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và đa dạng các hoạt động thương mại.
Khách mua hàng tại Siêu thị miền Tây, huyện Bá Thước.
Hiện nay, Công ty CP Tập đoàn miền núi đã triển khai xây dựng và không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất tại hệ thống các siêu thị ở 11 huyện miền núi. Các siêu thị hiện có hơn 3.000 mặt hàng với cơ cấu thành 3 ngành hàng chính: Dụng cụ gia đình, hóa mỹ phẩm, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Để góp phần bình ổn giá hàng hóa, công ty thực hiện khai thác hàng hóa từ các nhà phân phối cấp 1. Hàng hóa được kinh doanh tại đây chủ yếu là hàng Việt Nam, có rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Sau một thời gian tiếp cận thị trường, hiện người dân khu vực miền núi đã dần hình thành thói quen mua sắm tiện ích tại các siêu thị. Do đó, doanh thu các cửa hàng tăng trưởng ổn định từ 10-20%/năm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố hệ thống cửa hàng bán lẻ phục vụ Nhân dân theo mô hình kinh doanh siêu thị và quầy hàng tiện ích tại trung tâm các huyện miền núi, tiến tới thực hiện chuỗi hàng hóa siêu thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Ngoài hệ thống mạng lưới thương mại của Công ty CP Thương mại miền núi Thanh Hóa, hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ cũng phát triển mạnh. Theo thống kê của Sở Công Thương, khu vực miền núi hiện có hơn 100 chợ, hàng nghìn cửa hàng tự chọn, bán lẻ. Nhiều địa phương đã tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Huyện Cẩm Thủy hiện có 13 chợ/17 xã, thị trấn và đã có 5 chợ hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, 8 chợ kinh doanh thực phẩm đạt TCVN 11856:2017. Bên cạnh đó, địa phương cũng phát triển được 8 cửa hàng thực phẩm an toàn, gần 200 hộ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá. Do đó, việc mua sắm hàng hóa tại địa phương khá thuận lợi. Người dân có nhiều sự lựa chọn từ nhiều hình thức kinh doanh hàng hóa, như: Siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng bán lẻ. Giá cả hàng hóa cũng ổn định, không có tình trạng khan hiếm hàng, ép giá, kể cả dịp lễ, tết. Đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Ngoài việc bám sát kế hoạch chuyển đổi hình thức quản lý chợ của tỉnh đã phê duyệt, địa phương còn căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn, nhất là các vị trí chợ có lợi thế thương mại để kêu gọi nhà đầu tư vào tiếp nhận kinh doanh, khai thác chợ. Trong năm 2020, địa phương phấn đấu xây dựng thêm 8 chợ kinh doanh thực phẩm đạt TCVN 11856:2017, 8 cửa hàng kinh doanh an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, khối lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống chợ ở khu vực miền núi chiếm từ 60 - 70% tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn. Do đó, mạng lưới chợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tuy đã có nhiều chuyển biến, nhưng việc đầu tư hạ tầng thương mại khu vực này cũng còn không ít khó khăn, bất cập. Trong tổng số hơn 100 chợ tại địa bàn miền núi, nhiều chợ đã hình thành từ lâu, cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích của chợ nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, với tính chất dân sinh và đặc trưng của chợ miền núi là họp phiên nên rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư, quản lý, kinh doanh chợ.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy sản xuất tại các huyện miền núi, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích thu hút doanh nghiệp có tiềm năng tiếp cận, đầu tư các hoạt động thương mại theo hướng 2 chiều, vừa cung cấp hàng hóa ổn định, đa dạng; vừa thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.