Chuyển biến từ 'tam nông'

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về 'Nông nghiệp, nông dân, nông thôn'...

Lãnh đạo huyện Thanh Ba thăm mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn ở xã Đỗ Xuyên.

(baophutho.vn) - Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (Nghị quyết 26), huyện Thanh Ba đã có những bước phát triển tích cực, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; an ninh lương thực được đảm bảo; tỉ lệ hộ nghèo giảm; tăng thu nhập, cải thiện rõ rệt điều kiện sinh hoạt của vùng nông thôn; kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy; thu nhập đầu người tăng gấp hơn hai lần; giá trị bình quân trên diện tích đất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha...

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Do có sự khác biệt về địa lý, địa hình nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện cũng có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng. Để hiện thực hóa Nghị quyết 26, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 105 về xây dựng nông thôn mới huyện Thanh Ba đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của huyện đến năm 2020, trong đó, phân thành ba tiểu vùng: Tiểu vùng một đồng bằng có bốn xã là: Lương Lỗ, Đỗ Xuyên, Đỗ Sơn và Thanh Hà, thuận lợi cho sản xuất cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; Tiểu vùng hai gò đồi - chiêm trũng có năm xã là Sơn Cương, Chí Tiên, Hoàng Cương, Mạn Lạn, Hanh Cù, vừa mang đậm sắc thái của vùng trung du, vừa có thế mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng thích hợp với việc trồng cây ăn quả mặt nước phù hợp với việc nuôi, thả cá và những vật nuôi khác; Tiểu vùng ba đồi rừng gồm 10 xã, thị trấn còn lại, đây sẽ là vùng trọng điểm phát triển cây chè, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng của huyện… Các tiểu vùng này sẽ liên kết với nhau tạo ra các sản phẩm hàng hóa mang tính tập trung trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Trung Tình- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đã có một thời gian dài Thanh Ba dành nhiều công sức cho việc dồn đổi ruộng đất nhưng cũng chỉ dừng lại ở đổi thửa xa, lấy thửa gần mà không khắc phục được diện tích đất sản xuất manh mún… Sau nhiều cuộc họp, lãnh đạo huyện đã đi đến thống nhất với cách làm gộp tất cả các mảnh ruộng lại một khu đồng chung, sau đó san phẳng, bỏ hết bờ bao, xây dựng giao thông nội đồng và mương tưới tiêu theo đúng quy hoạch, rồi mới chia lại bằng hình thức gắp thăm và lấy xã Lương Lỗ làm điểm. Để thực hiện có hiệu quả trên tinh thần dân chủ, Đảng ủy xã Lương Lỗ đã phân công trách nhiệm cho từng đồng chí đảng ủy viên phụ trách các khu dân cư tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Ban đầu người dân còn lưỡng lự, nhưng khi thấy cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu làm trước nên cũng hồ hởi làm theo. Nhờ đó mà xã Lương Lỗ đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn rộng đến 200ha, năng suất lúa cao hơn trước, đạt 5,9 tấn/ha. Giá trị của giống lúa mới cao hơn trước 1,5 lần. Đến tháng 2/2019, huyện Thanh Ba đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Hiện, Thanh Ba đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả từ việc tích tụ ruộng đất.

Nông dân xã Đỗ Xuyên đưa những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng.
Sản xuất theo hướng hàng hóa

Tiếp nối những thành công trong công tác dồn đổi ruộng đất, năm 2019 nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Thanh Ba tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa như: Sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, mô hình nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi trang trại gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, huyện tích cực chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của từng xã, thị trấn; Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau, đậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đưa nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Diện tích lúa chất lượng cao hiện đạt 2.408ha, chiếm 40,1% diện tích, trong đó có 1.600ha có quy mô liền vùng từ 10ha trở lên, chủ yếu sản xuất bằng giống lúa chất lượng cao J02. Diện tích gieo trồng rau màu trên 1.764ha. Diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng, đặc biệt là sản xuất chuối xuất khẩu trên 300ha; diện tích bưởi các loại 216ha… Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động các HTX, toàn huyện có 33 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả như: HTX sản xuất rau an toàn Đỗ Xuyên, HTX chăn nuôi gà Đỗ Sơn, HTX sản xuất gai xanh Cường Thịnh, xã Hoàng Cương…Để sản phẩm đầu ra có sự liên kết theo chuỗi sản xuất ổn định và bền vững, huyện đã chú trọng đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Điển hình như mô hình J02 ở Lương Lỗ với 200ha liên kết bao tiêu lúa giống với Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam; HTX sản xuất rau an toàn Đỗ Xuyên liên kết bao tiêu sản phẩm với người dân quy mô 20ha, trong đó 7ha liên kết với Công ty Pacific Việt Nam còn lại HTX liên kết với các siêu thị, trung tâm thương mại…Cùng với trồng trọt, huyện khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô trang trại, gia trại; nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh, kiểm soát nguồn nước, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã...

Hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn

Từ nền sản xuất nông nghiệp tự phát Thanh Ba đã phát triển và hình thành cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và hiệu quả trên đơn vị diện tích. Ông Nguyễn Văn Minh khu 6, xã Đỗ Xuyên phấn khởi cho biết: “Những năm trước đây, cũng trên cánh đồng này, mỗi nhà trồng một giống lúa khác nhau nên ruộng xanh ruộng chín. Vài vụ trở lại đây, sau khi dồn đổi ruộng đất xong, bà con trong xã đồng loạt triển khai “5 cùng”; lúa ngoài đồng chín đều, đồng loạt thu hoạch cùng lúc, không mất nhiều công lao động, lại giảm chi phí đầu vào”. Chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ phát triển mạnh về số lượng, mà phương thức chăn nuôi cũng từng bước được cải thiện theo hướng chăn nuôi hàng hóa tập trung. Trong đó, chủ yếu chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại, cải tạo chất lượng đàn lợn thịt.
Đồng chí Nguyễn Kim Chi - Bí thư Huyện ủy khẳng định: “Nghị quyết 26 đem đến cho làng quê Thanh Ba một làn gió mới đổi thay căn bản về cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm), đời sống tinh thần người dân được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, số hộ khá, giàu tăng. Hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng bền vững. Để tiếp tục nâng cao giá trị hàng hóa trên cùng diện tích canh tác, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 04 về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp yêu cầu thị trường và xu thế phát triển; lấy hiệu quả doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy người dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, lấy liên kết sản xuất giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, tổ hợp tác, người lao động làm nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững. Mục tiêu của huyện là từ nay đến năm 2025, tăng trưởng bình quân đạt 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu/năm vào năm 2025”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202109/chuyen-bien-tu-%E2%80%9Ctam-nong%E2%80%9D-179812