Chuyển biến từ xây dựng nông thôn mới
Hơn 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011-2023), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng lòng của người dân, huyện An Minh (Kiên Giang) hoàn thành các tiêu chí và về đích xây dựng huyện nông thôn mới.

Một góc thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh.
An Minh là huyện thuần nông, người dân chủ yếu trồng lúa, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Huyện có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đồng bộ nên việc kêu gọi đầu tư còn khó khăn.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện An Minh có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp, ngành và ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở.
Sự tham gia tích cực của toàn xã hội cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống hạ tầng giao thông được mở rộng, kết nối thuận tiện; các công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp địa phương.

Nông dân xã Đông Hưng (An Minh) thu hoạch tôm càng xanh.
Chủ tịch UBND huyện An Minh Nguyễn Văn Phỉ cho biết xây dựng nông thôn mới được huyện xác định là chương trình có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; chủ động kiểm tra, theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí theo quy định.
Từ năm 2011 đến nay, huyện huy động hơn 2.298 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, ngân sách địa phương và sự đóng góp của người dân. Nguồn lực này được ưu tiên đầu tư cho các tiêu chí trọng yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Huyện đầu tư nâng cấp, cứng hóa, xây dựng mới và mở rộng 286 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 1.340km, tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đều được bảo trì, duy tu thường xuyên.

Nông dân xã Đông Thạnh (An Minh) thu hoạch lúa vụ đông xuân 2024-2025.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho huyện An Minh. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người được nâng cao; chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo; cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đến nay, huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Thứ Mười Một đạt chuẩn đô thị văn minh.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện An Minh Nguyễn Thanh Điền cho biết giai đoạn 2011-2023, người dân trên địa bàn đóng góp gần 40 tỷ đồng chiếm 1,73% tổng vốn huy động xây dựng các công trình phúc lợi, cầu giao thông nông thôn... Nhờ đó, diện mạo nông thôn khởi sắc, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện. Nhiều mô hình sản xuất tập trung được hình thành, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 67 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn giảm còn 2,06%.
Ông Tạ Thanh Tùng, ngụ xã Đông Hưng B (An Minh) nói: “Tôi thấy huyện có nhiều thay đổi nhờ xây dựng nông thôn mới, đường sá được đầu tư, môi trường sống sạch, đẹp, cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt”.
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/chuyen-bien-tu-xay-dung-nong-thon-moi-25657.html