Chuyện chưa kể của GS Hồ Ngọc Đại về cha vợ - Tổng Bí thư Lê Duẩn
Với Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Tổng Bí thư Lê Duẩn là một vĩ nhân cả trong tư duy và lối sống.
Với Giáo sư Hồ Ngọc Đại - nhà khoa học nổi tiếng trong ngành Giáo dục nước nhà với mô hình giáo dục thực nghiệm, con rể của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, những điều mà ông nhớ nhất về người cha vợ mà trong thâm tâm ông coi như cha đẻ của mình, đó là một con người giàu tình cảm và đầy lý trí. Đã từng có nhiều chục năm gắn bó với Tổng Bí thư Lê Duẩn, Giáo sư Hồ Ngọc Đại hiểu một cách cặn kẽ triết lý sống của người cha vợ: Tình thương và lẽ phải luôn đi liền với nhau. Phải có tình thương mới đi theo đúng lẽ phải. Nhưng ngược lại, lẽ phải cũng phải trên cơ sở của tình thương.
Bố vợ - con rể gắn bó thân tình
Trước khi trở thành con rể của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã có hơn 5 năm sống cùng ông trong căn nhà ở số 6 Hoàng Diệu. Thời gian không dài nhưng cũng đủ để Giáo sư Đại cảm được mục tiêu làm cách mạng, làm chính trị của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Người ta đi theo cách mạng thường xuất phát từ lý tưởng. Còn trong suy nghĩ của Giáo sư Đại, Tổng Bí thư Lê Duẩn đi làm cách mạng xuất phát từ tình thương và một tư duy triết học. Trong con người ông luôn tồn tại chữ tình và chữ lý, ông sống thiên về tình cảm nhưng không quên lý trí. Từ đây ông đã đúc kết thành một lý thuyết sống cho mình: Không có tình thương đối với người nghèo thì không thể làm cách mạng được. Trong cuộc đời mình, người mà Tổng Bí thư Lê Duẩn yêu kính nhất chính là mẹ ông. Và cũng chính tình yêu ấy là động lực thôi thúc ông quyết tâm xa mẹ đi làm cách mạng.
Mấy chục năm cùng sống chung dưới một mái nhà, nhưng cách đối xử, cách quan tâm của vị Tổng Bí thư với con rể khiến Giáo sư Đại cảm nhận rõ tình cảm của một người cha đối với một người con. Ở bên cạnh, gần gũi với Tổng Bí thư theo đúng nghĩa đen của từ này, Giáo sư Đại cảm nhận dường như giữa hai cha con không hề có giới hạn, không hề có khoảng cách, cha con thực bụng đối xử với nhau. Từ chai bia là định mức một ngày của Tổng Bí thư, ông cũng đem chia cho con rể một nửa, đến những câu chuyện riêng tư nhất Tổng Bí thư cũng chọn con rể để tâm sự những lúc hai ba con ngồi dùng cơm. Sự đối đãi thân tình và tin cậy đã giúp chàng rể gần gũi và hiểu bố vợ hơn.
Giáo sư Đại còn nhớ như in những câu hỏi thăm đầy thân tình của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Đại nhức đầu lắm phải không để ba xoa cho một lúc. Ba có thứ này hay lắm, uống vào là ngủ ngon ngay, không còn đau đầu nữa. Đại uống không, ba lấy nước cho uống”. “Nhiều lúc muốn giúp tôi bớt được căng thẳng, bực bội trong người, đôi lúc ông nói chuyện này, chuyện khác giúp tôi nguôi đi cũng có khi ông rủ tôi đi chơi chỗ này chỗ kia để cha con cùng tâm sự cho nhẹ lòng”, Giáo sư Đại nhớ lại.
Căn phòng làm việc của Giáo sư Đại trong ngôi nhà ở số 6 Hoàng Diệu vào mùa hè rất nóng bức. Ông còn nhớ có lần đang dội nước ra sàn nhà để làm mát, Tổng Bí thư nhìn thấy, hỏi “Đại làm gì đấy?”. Biết chuyện, từ hôm đó Tổng Bí thư đề nghị con rể sang phòng làm việc của mình – căn phòng duy nhất có điều hòa và vô vàn các loại giấy tờ đóng dấu tối mật, tuyệt mật xếp trên bàn.
Cảm nhận được sự tin tưởng của người cha vợ dành cho mình nên Giáo sư Đại tuyệt đối không động đến những giấy tờ mật và những chuyện lớn của đất nước mà vị Tổng Bí thư muốn có người để tâm sự, chia sẻ và đồng cảm với mình.
Trong câu chuyện về người cha vợ từng là lãnh đạo cao nhất của đất nước, Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn nhắc về ông với cụm từ một con người sống tình cảm và đáng tin cậy. Tình cảm của Tổng Bí thư dành cho người mẹ, cho các con và cho đất nước là như nhau và không có sự phân biệt giữa gia đình, đất nước, và ông đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
Có được tình cảm đó, chính bản thân ông là con người vô cùng trong sáng, nhưng cũng rất sâu sắc, không vì lợi ích cá nhân, không chỉ nghĩ cho riêng mình. “Tôi nhớ có lần ông nói với tôi: “Các chú nói với ba nhà mình được mua phân phối một chiếc xe máy, nhưng ba không có tiền mua đâu, Đại có tiền mua không?”. Lúc đó, chiếc xe có giá trị 400 đồng, tôi mua xe nhưng trả nợ dần. Trong những bữa ăn của gia đình, bữa nào “khá” hơn bình thường lập tức ông hỏi quản lý lấy tiền đâu ra mà bù. Trước khi mất, ông có nói với các con: “Ba đi không có xu nào, không có tài sản, tiền nong để lại cho mấy đứa đâu”, Giáo sư Đại kể.
"Ngày ông mất, tôi không thể làm gì trong mấy tháng liền, cảm giác hụt hẫng, trống vắng, đau khổ thực sự, cứ nhớ đến là khóc. Trong đời có một điều duy nhất tôi áy náy với ông đó là một lần ông ốm, ông muốn tôi ngủ lại với ông, nhưng trong phòng còn có cô y tá nên tôi có ý ngại".
Người cha, người thầy, người bạn
Được ở bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn mấy chục năm liền, đối với Giáo sư Đại, là may mắn nhất trong cuộc đời mình. Tổng Bí thư không chỉ là người cha, mà là người thầy, người bạn đúng nghĩa. Những tư tưởng của ông nêu ra đã giúp Giáo sư Đại định hướng con đường đi của mình. Giáo sư Đại nhớ lần ông viết bài báo đầu tiên được xuất bản, đại ý nói rằng mấy nghìn năm lịch sử, đất nước ta như một con thuyền trôi trên dòng sông, hai bên là rặng tre, bờ lũy che chắn, nên con thuyền ấy cứ thong thả trôi. Giờ con thuyền ấy đã ra đến cửa biển thì sao, phải cắm thuyền lại hay ra khơi. Nếu ra khơi phải đổi thuyền, đổi lái.
“Khi ông được bên Tuyên huấn cho đọc bài báo, ông chỉ cười, nhìn tôi nói: “Ở tuổi này, Mác đã chín lắm rồi”. Tôi hiểu ông tôn trọng những suy nghĩ trong bài báo của mình, nhưng với ông, cách tư duy của một người 40 tuổi như tôi lúc đó vẫn còn quá sách vở”.
Thời điểm đó, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã từng ấp ủ mô hình giáo dục thực nghiệm, tuy nhiên dư luận phản đối. Biết vậy, nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn khuyến khích Giáo sư Đại kiên trì bởi ông nhận thấy rằng “sẽ phải mất vài chục năm người ta mới hiểu được cách làm này”. Giáo sư Đại thừa nhận, “thời ấy, tuổi trẻ, nghe ông nói phải mất mấy chục năm cho mô hình giáo dục của mình, tôi thấy thật kinh khủng, nhưng đến giờ, suy nghĩ của ông hoàn toàn đúng”. Tôi hiểu rằng, thời điểm đó, tình hình chung của xã hội chưa nhận thức được vấn đề, chứ không phải một vài ý kiến độc đoán.
Có lần, Tổng Bí thư bất chợt hỏi ông: “Đại làm bao nhiêu năm thì có nghề?”, ông Đại cũng hỏi lại “Ba quan niệm thế nào là có nghề?”. Câu trả lời của Tổng Bí thư: “Ba và Đại đang ở trong phòng ăn, muốn ra khỏi phòng, không phải ra ở chỗ sáng, phía cửa sổ, mà ra ở chỗ tối kia kìa (cửa ra vào). Câu trả lời với ông là vô cùng sâu sắc: Chỗ mà người ta nhìn thấy một cách trực quan, nhưng đó chưa chắc là lối ra. Mà lối ra chính là chỗ cánh cửa đang đóng. Còn ba, bao nhiêu năm thì ba có nghề? Tổng Bí thư Lê Duẩn đáp: “Ba mất 10 năm”.
Có thể nói, trong con mắt của người con rể, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhìn cuộc đời bằng con mắt rất tỉnh táo, không câu nệ và rất thanh thản. Với ông, Tổng Bí thư Lê Duẩn là một vĩ nhân cả trong tư duy và lối sống. Về vai trò của cá nhân trong xã hội hiện đại, với tư tưởng làm chủ tập thể, xét về triết học, ông hoàn toàn đúng, nhưng lúc bấy giờ không mấy người hiểu được. Lĩnh hội được từ ông về ý thức vai trò của cá nhân trong xã hội hiện đại, Giáo sư Đại từng viết bài báo mang tên “Phạm trù cá nhân” đăng trên Tạp chí Cộng sản. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản sau này có bộc bạch với Giáo sư Đại, rằng “trong cuộc đời làm báo của tôi, đăng bài báo này theo tôi là đích đáng nhất”./.
Giáo sư-TS Hồ Ngọc Đại kết hôn với bà Lê Tuyết Hồng, con thứ ba của Tổng Bí thư Lê Duẩn với bà Lê Thị Sương. GS-TS Hồ Ngọc Đại và bà Lê Tuyết Hồng có một con trai là Hồ Thanh Bình, sinh năm 1973, từng học Luật ở Nga. Hiện anh Bình công tác tại Viện Khoa học giáo dục.
GS Hồ Ngọc Đại sinh ở Quảng Trị nhưng quê gốc của ông là xứ Nghệ. Ông nội ông từng làm quan văn dưới thời nhà Nguyễn; bố ông là cụ Hồ Thâm theo cụ Phan Bội Châu chống Pháp, sau đó đi theo Cách mạng. Năm 1968, ông sang học đại học ở Liên Xô (cũ) ngành tâm lý học.
Năm 1976, ông hoàn thành luận án Tiến sỹ khoa học "Những vấn đề tâm lý trong dạy toán hiện đại". Năm 1978, ông thành lập Trường Thực nghiệm.