Chuyện chưa kể về bài hát 'Gửi em ở cuối Sông Hồng'
Bài hát 'Gửi em ở cuối sông Hồng' của Dương Soái ở Lào Cai ra đời khi được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, bài hát trở thành biểu tượng của tình yêu trong chiến tranh nơi biên giới phía Bắc dung dị, thủy chung và đầy xúc động.
Ra đời giữa chiến trường
Tháng 2/1979, cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra trong những ngày đầu xuân, trong khói lửa ngút ngàn của Lào Cai, giữa dòng người chạy loạn và tiếng pháo rền vang, một bài thơ đã ra đời mộc mạc, thấm đẫm tình yêu quê hương và nỗi nhớ người thân.
Bài thơ ấy, sau này được phổ nhạc thành bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”, đã trở thành biểu tượng tinh thần không chỉ của những người lính nơi tuyến đầu, mà còn của cả hậu phương rộng lớn đang hướng về biên cương Tổ quốc.

Nhà thơ Dương Soái (bên trái) tác giả của bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” ra đời tháng 2/1979 chia sẻ với PV Báo Xây dựng.
Nhà thơ Dương Soái, khi ấy là phóng viên của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn, là người viết nên bài thơ để đời. Ngày 17/2/1979, khi chiến sự nổ ra, ông lập tức có mặt tại thị xã Lào Cai, trở thành một trong những phóng viên đầu tiên tác nghiệp tại mặt trận. Trong những ngày khói lửa ấy, ông chứng kiến tận mắt cảnh bộ đội ta kiên cường chiến đấu, bên cạnh đó là dòng người dân sơ tán tản mát, vội vã, lấm lem bùn đất và nước mắt.
“Lúc ấy, tôi ra mặt trận với tư trang trên người, thấy người dân thì rút chạy, còn bộ đội thì hành quân ngược dòng lên chiến trường. Có người máu me đầm đìa, có người chỉ còn vài viên đạn, nhưng họ vẫn cười, bắt tay tôi và nhắn nhủ: ‘Hãy nói với hậu phương rằng chúng tôi sẽ không lùi bước’”, ông Soái xúc động kể lại.
Chính trong khung cảnh ấy, ông nhận những lá thư viết vội của các chiến sĩ người gửi mẹ già, người gửi người yêu, người chỉ mong vài dòng báo tin mình còn sống. Những bức thư dọc theo quê hương bên bờ sông Hồng, từ Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Hà Nội… đã khơi gợi trong ông một mạch cảm xúc mãnh liệt.
Khi ngồi chờ tàu ở ga Phố Lu để trở về đưa tin, ông mở tập thư ra đọc. “Tôi thấy lòng mình thắt lại. Những người chiến sĩ ấy, phần lớn là con em của những vùng quê ven sông Hồng cũng như quê tôi đều mang nặng tình với người thân ở hậu phương”, ông kể.
Chỉ trong hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi, bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” ra đời lặng lẽ, xúc động, và đau đáu nỗi niềm của người ở giữa lằn ranh sống và chết, nhớ người thân ở phương xa.
Từ mặt trận lan tỏa khắp quê hương
Sau chiến tranh, bài thơ được in trong tập "Bài ca thắng trận" một ấn phẩm mỏng của Hội Văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn chào mừng chiến thắng. Tình cờ, nhạc sĩ Thuận Yến khi đó là Phó đoàn Văn công Quân khu II, nhận được tập thơ ấy trong một lần công tác. Những câu thơ mộc mạc mà cháy bỏng xúc cảm của Dương Soái đã đánh thức trong ông giai điệu từ trái tim.
Không lâu sau, ca khúc "Gửi em ở cuối sông Hồng" ra đời và được phát lần đầu trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1980. Từ ấy, bài hát nhanh chóng lan tỏa, trở thành tiết mục quen thuộc trong các hội diễn văn nghệ, các buổi giao lưu chiến sĩ với hậu phương, và cả trong những đám cưới, sinh hoạt thường nhật thời kỳ ấy.
Nhà thơ Dương Soái kể: “Lúc ấy, đi đến đâu tôi cũng nghe bài hát vang lên. Người ta ngâm thơ tôi rồi hát. Có đoàn thì hát song ca, có nơi thì dùng chính bài thơ để dẫn nhập bài hát. Người ta bảo, bài hát này vừa chan chứa tình cảm riêng tư, vừa cháy bỏng tình yêu Tổ quốc”.
Tại một hội nghị cộng tác viên của Báo Quân khu II năm 1981, Thiếu tướng Lê Thùy, Phó tư lệnh Chính trị quân khu đã đứng lên giữa hội trường, chỉ vào tác giả Dương Soái và nói:
“Làm công tác chính trị 3 năm không bằng một lần bộ đội tự cất lên câu hát ‘Gửi em ở cuối sông Hồng’!” Câu hát ấy, theo vị tướng, không chỉ nói hộ tấm lòng của người hậu phương, mà còn trở thành sức mạnh tinh thần để người lính yên lòng chiến đấu, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Đó là thứ “chính trị mềm” mà không văn bản nào diễn đạt hết được chỉ có thể thấm vào lòng qua âm nhạc và thơ ca.
Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, “Gửi em ở cuối sông Hồng” vẫn ngân vang, không chỉ như một bài hát của ký ức chiến tranh, mà còn là khúc tráng ca của lòng yêu nước. Nó là lời nhắn gửi không bao giờ cũ: Dù ở chiến hào hay nơi phố thị, tình yêu từ hậu phương đến tiền tuyến luôn là sức mạnh để đất nước đứng vững trước mọi phong ba. Và với nhà thơ Dương Soái, đó là món quà tinh thần mà ông tự hào đã viết ra, giữa một ngày tháng Hai đầy lửa đạn của Lào Cai năm ấy.
Toàn bài thơ
Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Tháng Hai, mùa này con nước/Lắng phù sa in bóng đôi bờ/ Biết là em năm ngóng, tháng chờ/ Cứ chiều chiều ra sông gánh nước/ Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt/ Anh lại xuống sông Hồng cho thỏa nỗi em mong/ Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông/ Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét/ Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết/ Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng/ Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy/ Em ra sông chắc là em sẽ thấy/ Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông/ Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình/ Khi tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc/ Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt/ Đạn lên nòng anh giữ ngọn nguồn sông/ Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng/ Đạn quân thù cuồng điên bắn vào thị xã/ Xe tăng thù nghiến mặt sông yên ả/ Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong/ Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm/ Phá cầu thù xé vụn xe tăng giặc/ Giữa dòng sông ngàn xác thù ngã gục./ Máu giặc loang lổ cả một vùng/ Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng/ Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ/ Là niềm thương anh gửi về em đó/ Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.