Chuyện chưa kể về thi công cao tốc Cam Lộ-La Sơn và kỳ vọng bứt phá
Cao tốc Cam Lộ-La Sơn kết nối Quảng Trị-Huế đưa vào khai thác giảm thời gian lưu thông, phân lưu QL1, góp phần thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn chính thức đưa vào khai thác ngày 31/12, mở cánh cửa kết nối Huế - Quảng Trị, miền Trung, giảm thời gian lưu thông, phân lưu QL1, góp phần thu hút đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế- xã hội cho các địa phương…
Vượt thắng, thắng mưa đưa cao tốc về đích...
Những ngày cuối tháng 12/2022, những vệt nắng hiếm hoi càng tô điểm cho tuyến cao tốc chạy xuyên các đỉnh, triền núi nối 2 tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.
Ngay nút giao QL9 trên địa bàn Cam Lộ (Quảng Trị), tấm biển báo dẫn từng lượt phương tiện lưu thông êm thuận. Hệ thống dải phân cách, sơn kẻ vạch đường, hộ lan, cùng các tiện ích ATGT góp phần đồng bộ kết cấu trên tuyến cao tốc dành riêng cho các phương tiện xe cơ giới.
Ghi nhận PV, ngay từ đầu tháng 11/2022, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, 1 trong 4 dự án trọng điểm của chiến dịch “120 ngày cao điểm” hối hả cho các công tác về đích. Canh những ngày nắng ráo, nhịp điệu thi công trên công trình hối hả. Hàng chục mũi thầu hoàn thiện đồng loạt thi công, nối nhịp hợp long các mét bê tông nhựa cuối cùng trên từng đoạn tuyến để chính thức cán đích vào ngày 30/11 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT.
Bám công trường, đốc thúc từng mũi thi công, ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay, đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị triển khai dự án, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, trực tiếp Thứ trưởng Lê Đình Thọ đến Ban QLDA, nhà thầu, TVGS và sự vào cuộc của chính quyền các địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Trị xuyên suốt quá trình thực hiện.
Không ít thời điểm, hàng loạt nguyên nhân khách quan như khan hiếm vật liệu đất đắp, mưa kéo dài… khiến nhiều gói thầu như XL05, XL06 tưởng chừng “lỡ nhịp về đích”, đã được các đơn vị xây dựng phương án, tổ chức thi công linh hoạt, quyết tâm vượt nắng thắng mưa để kiểm soát tiến độ, và tăng tốc sản lượng những ngày qua.
Theo lãnh đạo Ban QLDA đường HCM, ngoài những giải pháp kỹ thuật công trường, Ban tăng cường cán bộ quản lý, hỗ trợ tối đa cho các nhà thầu trong công tác giải ngân, thanh quyết toán, như cơ chế giải ngân 2 lần/tháng, tăng gấp đôi so với giai đoạn bình thường, để tạo “đòn bẩy tài chính” cho các nhà thầu giai đoạn cao điểm cán đích.
“Các giải pháp chủ động nguồn vật liệu, tài chính, kiểm soát tiến độ hàng ngày, hàng tuần, chủ động biện pháp thi công công trường… và sự phối hợp xử lý GPMB, tạo những bài học kinh nghiệm để triển khai tốt trong những dự án trọng điểm tiếp”, ông Quý nói.
Kỳ vọng giúp địa phương bứt phá
Tại khu vực giao với QL9, là điểm đầu dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) phóng tầm mắt, đoạn tuyến cao tốc trải dài băng qua khu vực dân cư, khu vực núi rừng với hệ thống biển báo, hộ lan, hàng rào, sơn kẻ vạch, cùng hệ thống đường gom...
Nhiều người dân nơi đây vui mừng chia sẻ: trước đây, từ Cam Lộ vào Huế, Đà Nẵng xuống Đông Hà, còn nay có thêm tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ đỡ mất thời gian hơn.
Nhiều lái xe cũng cho biết, từ Cam Lộ theo tuyến cao tốc vào Đà Nẵng sẽ nhanh hơn hơn cả giờ đồng hồ, vào Huế cũng được rút ngắn vài chục phút so với QL1.
“Đường mới êm thuận, giảm hao mòn phương tiện, chi phí nhiên liệu và đỡ lo xe máy qua đường “bất chừng” như trên QL1”, anh Mai Văn Cán, lái xe đầu kéo thường xuyên chở hàng từ Lao Bảo vào Đà Nẵng cho hay.
Điểm đầu dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn giao với QL9 chuẩn bị đưa vào khai thác tại Cam Lộ, cũng chính là điểm cuối của dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ chuẩn bị được khởi công.
Chỉ trong thời gian ngắn khi địa phương triển khai công tác GPMB, các hộ dân nơi đây đã đồng tình ủng hộ di dời đến nơi ở tạm ngay trong thời điểm trước Tết Quý Mão 2023 để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu để chuẩn bị khởi công xây dựng.
Cách khu vực nút giao này một đoạn, khu tái định cư dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã thành “phố mới” khang trang.
Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, cùng với dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian hành trình vào Huế, Đà Nẵng góp phần phân lưu, giảm tải lưu lượng cho QL1 cũng như QL9 đoạn từ Cam Lộ về TP Đông Hà...
Đặc biệt, dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ cũng chuẩn bị khởi công, khi hoàn thành tăng kết nối thông thương, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH...
Tại khu vực kết nối tuyến và nút giao liên thông mở ra triển vọng rất lớn, huyện đã tiến hành quy hoạch một số khu dịch vụ kho bãi, thương mại, dịch vụ kết hợp dừng nghỉ, ăn uống và công nghiệp, sân golf cũng cách khu vực này khoảng 500m...
Các địa phương của Thừa Thiên Huế cũng kỳ vọng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn mở ra cơ hội cho địa phương vùng gò đồi phía Tây “bứt phá”.
Lãnh đạo xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) cho biết, từ khi tuyến cao tốc thi công và xác định có điểm lên và xuống cao tốc tại xã, nhiều nhà đầu tư đã đến, nhiều người dân chọn Phong Mỹ để định cư nhiều hơn. Bộ mặt đô thị tại xã này đang dần thay đổi.
Theo ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ngoài tuyến QL1 đi qua địa bàn, huyện Phong Điền có 4 tuyến đường được xác định là huyết mạch, động lực cho huyện trong tương lai, đặc biệt là tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan đi qua các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn. Giao thông thuận lợi là động lực quan trọng đối với các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phong Điền...
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua huyện Phong Điền có nút giao tại Phong Mỹ, từ điểm này cũng bắt đầu tuyến đường quan trọng là Tỉnh lộ 9, nối thẳng từ cao tốc xuống QL1 - Khu công nghiệp Phong Điền về đến xã biển Điền Lộc, nơi được định hướng là đô thị biển, kết hợp cảng biển trong tương lai.
Tại buổi kiểm tra hiện trường mới đây, ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, các nút giao theo quy hoạch được hoàn thiện giai đoạn 2, tăng kết nối lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tạo thêm trục lưu thông về các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác rút ngắn thời gian di chuyển liên vùng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng… phần phân lưu giảm tải lưu lượng phương tiện cho QL1, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, du lịch cho các khu vực tuyến đi qua, nhất là khu vực phía Nam QL9.
Đặc biệt, khi nút liên thông với QL15D và tuyến từ cảng biển Mỹ Thủy - Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị lên QL15D - cửa khẩu quốc tế La Lay được đầu tư hoàn thiện sẽ tạo trục kết nối liên hoàn, rút ngắn quãng đường và thời gian cho phương tiện vận tải từ cửa khẩu quốc tế La Lay rất nhiều so với hiện nay, tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch và các dịch vụ khác kèm theo...