Chuyến công du 'lịch sử' của Ngoại trưởng Trung Quốc đến Nam Thái Bình Dương

Từ ngày 26/5 đến 4/6, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ bắt đầu chuyến công du đến 8 quốc gia tại Nam Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này, Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin tiết lộ rằng nhiều thỏa thuận then chốt song phương sẽ được Trung Quốc và các đối tác ký kết.

Giới chuyên gia nhận định, đây có thể coi là chuyến công du lịch sử của Ngoại trưởng Vương Nghị nhằm "tập hợp lực lượng" để đối trọng với Mỹ tại Nam Thái Bình Dương nói riêng và tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du 8 nước khu vực Nam Thái Bình Dương từ ngày 26/5 đến 4/6. Nguồn: CGTN.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du 8 nước khu vực Nam Thái Bình Dương từ ngày 26/5 đến 4/6. Nguồn: CGTN.

Quyết tâm giành ảnh hưởng

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 25/5 đã chính thức lên tiếng xác nhận về chuyến công du của ông Vương Nghị đến quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Đông Timor. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và quần đảo Solomon hồi tháng trước vừa ký kết một thỏa thuận an ninh, vốn làm dấy lên lo ngại của Australia, New Zealand và Mỹ về việc Trung Quốc có thể thiết lập căn cứ quân sự ở khu vực này, dẫn tới việc gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Uông Văn Bân khẳng định, Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với các quốc đảo Thái Bình Dương, phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của cả hai bên.

"Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc và các đảo quốc Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực lên tầm cao mới, tạo động lực mới cho sự phát triển lâu dài của quan hệ giữa hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương", Phát ngôn viên Uông Văn Bân nói.

Theo lịch trình, điểm dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Vương Nghịvà hơn 20 quan chức cấp cao Trung Quốc khác trong ngày 26/5 là quần đảo Solomon. Tại Fiji, ông Vương Nghị sẽ chủ trì cuộc họp Ngoại trưởng Trung Quốc và các đảo quốc Thái Bình Dương lần thứ 2. Ngoài ra, ông sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến, được xem là "chuyến thăm qua màn ảnh" với Nhà nước Liên bang Micronesia và gặp gỡ trực tuyến với các lãnh đạo quần đảo Cook và Niue.

Trước thông báo của Trung Quốc, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern lên tiếng hối thúc Bắc Kinh tăng cường tính minh bạch về chuyến công tác này. Bà Ardern bày tỏ rằng sự quan tâm và đầu tư vào Thái Bình Dương từ các siêu cường là điều đáng hoan nghênh, nhưng cần duy trì một ranh giới rõ ràng về các hoạt động quân sự hóa ở khu vực kém phát triển, nơi mà các nhu cầu khác đang cấp bách hơn.

Thủ tướng New Zealand khẳng định, Wellington sẽ giữ quan điểm nhất quán trong các vấn đề khu vực, bất kể có sự tham gia của quốc gia nào bên ngoài, cũng như sự tương tác của quốc gia đó đối với các thành viên trong khu vực. New Zealand tin rằng, với việc ký kết cùng Trung Quốc, quần đảo Solomon đã phá vỡ tuyên bố Biketawa, một thỏa thuận được ký kết bởi các thành viên Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, vốn đặt ra kỳ vọng rằng những quốc gia trong cùng khu vực sẽ cùng nhau bảo vệ an ninh của chính họ với tư cách một khối. Không chọn cách lên tiếng trực tiếp về chuyến công du của ông Vương Nghị như New Zealand, tân Ngoại trưởng Australia Penny Wong ngày 26/5 cũng sẽ thăm Fiji và có bài phát biểu quan trọng.

Theo ABC News, trong thời gian tới, chính phủ của tân Thủ tướng AustraliaAnthony Albanese có khả năng sẽ đến thăm Thái Bình Dương thường xuyên hơn khi sự cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng gia tăng. Một quan chức Australia cho biết, quyết định thăm Fiji sớm như vậy của bà Penny Wong có "tính biểu tượng rõ ràng", với tín hiệu của chính phủ mới về việc xem Thái Bình Dương là "ưu tiên hàng đầu".

Chiến lược đối trọng của Mỹ

Theo Reuters, sau khi thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" tại Kiribati hồi năm ngoái, Trung Quốc đang dẫn dắt việc mở rộng đường băng trên đảo Canton có vị trí chiến lược và có thể thiết lập một thỏa thuận với Trung Quốc. Thực tế này đã gây sức ép lên Mỹ và buộc Washington phải chủ động hơn trong việc củng cố các mối quan hệ với đồng minh và đối tác trong khu vực để ứng phó với Trung Quốc.

Được biết, từ năm 1986, Mỹ có mối quan hệ "độc nhất vô nhị" với một số nước ở Nam Thái Bình Dương như Cộng hòa Quần đảo Marshall, Nhà nước Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau thông qua Hiệp ước liên kết tự do. Với hiệp ước này, Mỹ hỗ trợ tài chính cho các nước đó trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Công dân các nước này cũng được phép làm việc, sinh sống và đi lại tự do bên trong nước Mỹ mà không cần thị thực. Họ cũng được phép phục vụ trong lực lượng vũ trang Mỹ với tỷ lệ khá cao. Đổi lại, Mỹ được phép bố trí quân sự chiến lược và độc quyền ở Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các hiệp ước này sẽ hết hạn trong vòng hai năm tới.

Hiện Mỹ đã chỉ định một nhà ngoại giao kỳ cựu - Đại sứ Joseph Yun, tận dụng những việc mà chính quyền ông Trump tiền nhiệm đã xúc tiến để khởi động đàm phán gia hạn các hiệp ước liên kết tự do và có khả năng mời thêm các quốc gia khác tham gia hiệp ước tương tự. Giới chuyên gia nhận định, nếu Mỹ đạt được thỏa thuận với các nước này, họ sẽ thể hiện được sự chủ động của mình trước Trung Quốc. Trước đó, trong khuôn khổ Thượng đỉnh tứ giác kim cương diễn ra hôm 24/5 tại Tokyo (Nhật Bản), ông Biden đã khai mở Mạng lưới kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm củng cố và tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế khu vực.

Linh Đan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chuyen-cong-du-lich-su-cua-ngoai-truong-trung-quoc-den-nam-thai-binh-duong-i654955/