Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ và Brazil cho thấy một Việt Nam năng động, phát triển
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tại Hoa Kỳ và Brazil. Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ cho thấy một Việt Nam năng động và phát triển, yêu chuộng hòa bình, tích cực hợp tác và hội nhập.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tại Tây bán cầu, tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 và tiến hành các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 17-23/9, thăm chính thức Brazil từ ngày 23-26/9.
Chuyến đi nhằm cụ thể hóa, triển khai những thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023, thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Brazil và quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển đất nước, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Với các hoạt động dày đặc (riêng tại Hoa Kỳ có khoảng 60 hoạt động trong 113 giờ làm việc, ngày cao điểm có tới gần 20 hoạt động), chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Điều đặc biệt là trong suốt hành trình dài từ Đông bán cầu tới Tây bán cầu, từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ, cả 6 lần di chuyển của đoàn công tác bằng máy bay khi khởi hành và trở về Việt Nam, cũng như giữa các thành phố của Hoa Kỳ và Brazil, đều là “những chuyến bay đêm” để dành toàn bộ thời gian ban ngày cho các hoạt động làm việc. Chuyến công tác không có thời gian trống, các hoạt động diễn ra liên tục từ sáng sớm tới tối muộn, rất nhiều sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp ăn sáng làm việc, ăn trưa làm việc, ăn tối làm việc. Tất cả các cuộc làm việc đều bảo đảm thực chất, hiệu quả nhất.
Việt Nam sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của Liên hợp quốc
Nổi bật trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là việc tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78, cùng với sự tham dự của hơn 150 lãnh đạo các nước.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 với chủ đề “Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển”.
Đánh giá về những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thế giới hiện đang ẩn chứa những yếu tố khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc, và về nguồn lực. Chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới, mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trên thế giới là phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương; ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển.
Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm. Khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của Liên hợp quốc, trong đó có đẩy mạnh tham gia gìn giữ hòa bình, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự đồng tình, chia sẻ của lãnh đạo các nước, các đối tác quốc tế. Nhiều bè bạn quốc tế bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam và đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
Tổng thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đều đánh giá cao sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời của Việt Nam dành cho Liên hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người…, nhất là những cam kết mạnh mẽ về thực hiện SDGs, hành động ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã nêu đậm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh Lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Từ bài học kinh nghiệm này, Tổng thống Joe Biden khẳng định Hoa Kỳ sẵn sang hợp tác với các nước để giải quyết các tranh chấp và Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Quan hệ với Việt Nam có được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng tại Hoa Kỳ
Với Hoa Kỳ, đây là chuyến công tác đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, góp phần triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là nền tảng, trọng tâm, là động lực, là “động cơ vĩnh cửu”, hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là đột phá, tiếp tục hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp và tham dự sự kiện tại San Francisco, Washington DC và New York, với sự hiện diện của các quan chức cao cấp của chính quyền, Quốc hội liên bang, các tiểu bang, giới doanh nghiệp, trí thức, các bạn bè lâu năm tại Hoa Kỳ.
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có rất nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi, tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn công nghệ khổng lồ, các quỹ đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ như Microsoft, NVIDIA, Synopsys, Facebook, Apple, Google, Boeing, SpaceX, Coca Cola…
Cùng với đó, Thủ tướng đã dành thời gian thăm và làm việc tại thung lũng Silicon, rung chuông khai mạc các phiên giao dịch tại Sàn chứng khoán New York (NYSE) và Sàn chứng khoán NASDAQ – hai sàn chứng khoán lớn nhất thế giới với tổng mức vốn hóa lên tới 40 nghìn tỷ USD và 30 nghìn tỷ USD, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người.
Tại các cuộc gặp và làm việc, các đối tác Hoa Kỳ đều khẳng định coi trọng Việt Nam và phát triển quan hệ hai nước có được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, thống nhất cao về việc cần khẩn trương triển khai thực hiện khuôn khổ quan hệ mới để sớm đạt kết quả cụ thể, đặc biệt là trên các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế-môi trường, giao lưu nhân dân...
Phía Hoa Kỳ phản hồi tích cực đối với các ưu tiên cao của Việt Nam về việc sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại, mở cửa hơn nữa thị trường cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái bán dẫn và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh...
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao đã được ký kết và trao đổi.
Đáng chú ý, các tập đoàn Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn khẳng định có quyết tâm cao với thị trường Việt Nam, đánh giá tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ hai nước trong thời kỳ mới. Cho rằng Việt Nam có khả năng và cần hướng tới những vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ cao, các doanh nghiệp đã đưa ra các khuyến nghị chính sách, đề xuất những phương thức, dự án hợp tác cụ thể nhằm phát triển thành công hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu.
Chuyến thăm chính thức Brazil mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới
Chuyến thăm chính thức Brazil lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là chuyến thăm lần thứ 5 của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989, và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau 16 năm.
Tổng thống Brazil Lula da Silva đã tổ chức đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta trọng thị, chu đáo, thân tình, ấm áp. Chuyến thăm đã đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, nghị viện, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch, thể thao… và mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung, văn kiện quan trọng, thể hiện tầm vóc của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời định hướng cho hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới phù hợp trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước về tham khảo chính trị và hợp tác kinh tế-thương mại, sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Brazil về Hợp tác kinh tế-thương mại; phấn đấu tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy khởi động đàm phán một Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); đánh giá Hiệp định này sau khi được đàm phán ký kết và đưa vào hiệu lực sẽ tạo động lực tăng cường hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam và các nước thành viên MERCOSUR, đồng thời tăng cường các mối liên kết kinh tế liên khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Brazil tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí hai bên thúc đẩy trao đổi để sớm đạt thỏa thuận về việc Brazil công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần…
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã tranh thủ tối đa thời gian để phát triển hơn nữa và mở mới quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác. Thủ tướng và các thành viên đoàn chính thức đã có hàng chục hoạt động tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế...
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy một Việt Nam năng động và phát triển, yêu chuộng hòa bình, tích cực hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn với các tiến trình quốc tế, đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc, Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam – Brazil theo đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.